Thỏa thuận giải cứu 22 triệu tấn ngũ cốc Ukraine: Hải đăng hy vọng của thế giới
Thỏa thuận này đã tạo điều kiện để xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine cũng như ngũ cốc và phân bón của Nga, chấm dứt tình trạng bế tắc đến đe dọa an ninh lương thực toàn cầu thời gian qua.
Ngọn hải đăng hy vọng cho thế giới
Nga và Ukraine đã ký kết riêng các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian để nối lại việc vận chuyển ngũ cốc từ các cảng Biển Đen ra thị trường thế giới.
Thỏa thuận được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres gọi là “ngọn hải đăng hy vọng" này bao gồm 2 tài liệu. Bản ghi nhớ đầu tiên có giá trị trong 3 năm, giải quyết những vấn đề liên quan đến lệnh trừng phạt các nông sản và phân bón của Nga. Tài liệu thứ hai có giá trị trong 120 ngày và có thể mở rộng về mặt thời gian, xác định cơ chế để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng do nước này kiểm soát.
Thỏa thuận này đã tạo điều kiện để xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine cũng như ngũ cốc và phân bón của Nga, chấm dứt tình trạng bế tắc, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu trong thời gian qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã ký các thỏa thuận riêng với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Lễ ký kết diễn ra ở Istanbul và được chứng kiến bởi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
"Ngày hôm nay, có một ngọn hải đăng trên Biển Đen. Đó là ngọn hải đăng của hy vọng, của niềm tin và của sự cứu trợ trong một thế giới cần nó hơn bao giờ hết", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho hay.
Ông Guterres cũng nhận định: "Các bạn đã vượt qua được các trở ngại và gạt sang bên những khác biệt để dọn đường cho một sáng kiến vì lợi ích chung của tất cả các bên".
Thỏa thuận này sẽ giúp cho Ukraine có thể xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc và các nông sản khác bị mắc kẹt ở các cảng Biển Đen do chiến tranh.
Các phái đoàn quân sự của Nga và Ukraine cũng đạt được một thỏa thuận hồi tuần trước, theo một kế hoạch của Liên Hợp Quốc cho phép Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine đã nhấn mạnh ngày 22/7 rằng, Ukraine và Nga sẽ ký kết các thỏa thuận riêng, đồng thời nói rằng Ukraine "sẽ không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Nga".
Ông Guterres nhận định kế hoạch trên, còn được gọi là Sáng kiến Biển Đen, sẽ mở đường cho những đợt xuất khẩu đáng kể ngũ cốc từ 3 cảng quan trọng của Ukraine trên Biển Đen gồm: Odessa, Chernomorsk và Yuzhny.
Thỏa thuận này cũng sẽ "cứu trợ cho các nước đang phát triển trên bờ vực vỡ nợ và những người dễ tổn thương nhất bên bờ vực của nạn đói. Nó cũng giúp ổn định giá lương thực toàn cầu, vốn đã ở mức kỷ lục thậm chí trước cả khi cuộc chiến nổ ra - một cơn ác mộng thực sự đối với những nước đang phát triển", ông Guterres cho hay.
Nga và Ukraine vẫn thiếu niềm tin vào nhau
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn nhất thế giới nhưng chiến tranh đã khiến các cảng biển của nước này bị phong tỏa và việc vận chuyển các loại hàng hóa không thể diễn ra. Một số lô vận chuyển ngũ cốc được đưa tới châu Âu bằng đường sắt, đường bộ và đường sông nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như lúa mì và lúa mạch đã tăng vọt trong suốt 5 tháng xung đột.
Thỏa thuận trên cũng đưa ra các điều khoản đảm bảo an toàn cho việc đi lại của các tàu vận chuyển. Một trung tâm kiểm soát sẽ được thành lập ở Istanbul, do Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine vận hành để điều phối quá trình trên. Các tàu vận chuyển hàng hóa sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo chúng không vận chuyển vũ khí.
Ông Podolyak nhấn mạnh, tàu Nga sẽ không được hộ tống các tàu trên và sẽ không có đại diện nào từ Nga xuất hiện ở các cảng của Ukraine. Kiev cũng có kế hoạch để phản ứng quân sự ngay lập tức trong trường hợp có các "hành vi khiêu khích".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres lần đầu nhắc đến nhu cầu cấp thiết để đưa ngũ cốc Ukraine, cũng như ngũ cốc và phân bón Nga ra thị trường thế giới vào cuối tháng 4 trong các cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ở Kiev. Ông đã đề xuất một thỏa thuận vào đầu tháng 6 giữa lo ngại cuộc chiến ở Ukraine đang đe dọa đến nguồn cung lương thực cho nhiều nước đang phát triển và khiến nạn đói trở nên tồi tệ hơn với 181 triệu người.
Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về việc ngăn cản vận chuyển ngũ cốc. Moscow cáo buộc Ukraine không dỡ mìn tại các cảng để đảm bảo việc đi lại diễn ra an toàn và yêu cầu quyền kiểm tra các tàu sắp cập cảng có vận chuyển vũ khí hay không. Ukraine cũng cáo buộc việc Nga phong tỏa các cảng và phóng tên lửa từ Biển Đen khiến việc vận chuyển không thể diễn ra.
Ukraine đã yêu cầu những đảm bảo từ quốc tế rằng điện Kremlin sẽ không sử dụng các hành lang an toàn để tấn công cảng Odessa có vai trò quan trọng trên Biển Đen. Các nhà chức trách Ukraine còn cáo buộc Nga đánh cắp ngũ cốc ở khu vực phía Đông Ukraine và cố tình nã pháo vào các cánh đồng của Ukraine.
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ hoan nghênh thỏa thuận trên về mặt nguyên tắc.
"Những gì chúng tôi tập trung hiện nay là khiến Nga phải chịu trách nhiệm cho việc thực hiện thỏa thuận này và đảm bảo ngũ cốc Ukraine có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới", ông Price nhận định.
Thách thức đưa 20 triệu tấn ngũ cốc ra thế giới
Dù vây, để việc vận chuyển hàng hóa diễn ra trên Biển Đen không phải việc có thể thực hiện chỉ qua một đêm. Các công ty vận chuyển và các nhà buôn hoan nghênh thỏa thuận trên là một bước đi tích cực, song cũng cảnh báo rằng vẫn còn vô số trở ngại.
Đầu tiên, các vùng cảng biển của Ukraine cần dỡ mìn hoặc ít nhất là dọn mìn để tạo thành một hành lang kéo dài một vài km. Việc này sẽ cần một khoảng thời gian, từ 10 ngày đến một vài tháng.
Để vận chuyển được 20 triệu tấn ngũ cốc mắc kẹt trong các kho của Ukraine cần một đội tàu gồm 400 tàu chở hàng với mỗi tàu có thể chở được 50.000 tấn.
Các nhà phân tích ước tính việc nối lại các tuyến đường tới Biển Đen sẽ mất một vài tuần. Điều này phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của các tàu chở hàng ở các khu vực gần đó, chẳng hạn như Địa Trung Hải, ông Peter Sand, nhà phân tích thị trường thuê tàu thuộc công ty Xeneta đánh giá.
Hơn 100 tàu đã không thể rời các cảng của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, hiện chúng cũng không thể ra khơi ngay lập tức.
"Những tàu này đã bị dừng hoạt động từ 24/2 nên chúng ta cần đảm bảo chúng vẫn đủ điều kiện ra khơi. Chúng ta phải đảm bảo có đủ số thủy thủ trên tàu bởi nhiều thủy thủ đã đi sơ tán", ông Guy Platten, Tổng thư ký Phòng Vận tải biển Quốc tế nhận định.
Khi số lượng tàu và thủy thủ được đảm bảo thì các chủ tàu cần nhận được "bảo hiểm chiến tranh" phù hợp. Đó là chưa kể họ vẫn do dự để thực hiện nhiệm vụ này trong bối cảnh hiện nay, bất chấp những đảm bảo từ quốc tế. Để đảm bảo tất cả những yếu tố trên sẽ mất rất nhiều thời gian. Các nông dân Ukraine dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch vụ xuân và cần có các silo ngũ cốc còn trống để chứa lương thực.
Alexander Karavaytsev, nhà kinh tế học cấp cao tại Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế đánh giá: "Việc bắt đầu vận chuyển 5 triệu tấn ngũ cốc trong tháng đầu tiên sau khi mở lại là một công việc vô cùng thách thức. Theo chúng tôi, kể cả các cảng biển được mở lại sẽ vần cần xây dựng thêm các hầm chứa ngũ cốc"./.