Thỏa thuận hạt nhân Iran: Cánh cửa mới và chặng đường vòng cũ

Ngày 12/6/2023, dường như đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Nasser Kanani - thông báo: Tehran hoan nghênh những nỗ lực của các quan chức Oman, nước trung gian thúc đẩy đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng như vấn đề trao đổi tù nhân giữa hai bên. Ông cũng đồng thời cho biết đã chuyển thông điệp tới phía Mỹ liên quan việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt thông qua kênh trung gian hòa giải này.

Tuy nhiên, vẫn còn là quá sớm để tin rằng những bước đột phá đích thực sẽ xuất hiện trong tương lai gần, trong bối cảnh địa chính trị Trung Đông hiện tại.

Điều không thể khoan nhượng

Trước đó một ngày, 11/6, người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố: Tehran sẽ chấp nhận việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp tục giám sát các hoạt động làm giàu urani tại Iran. Vấn đề là, khả năng này vẫn được đính kèm với một điều kiện bất di bất dịch trong lập trường của phía Iran: Các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước cộng hòa Hồi giáo ấy phải được dỡ bỏ.

Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt, làm tiền đề cho đàm phán đòi hỏi bất di bất dịch từ phía Iran.

Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt, làm tiền đề cho đàm phán đòi hỏi bất di bất dịch từ phía Iran.

Ông Kamalvandi cho biết AEOI đang hợp tác "thuận lợi" với IAEA, song một số quốc gia phương Tây lại kêu gọi Iran thực hiện nhiều nghĩa vụ bên ngoài thỏa thuận. Theo ông, điều này là không phù hợp. Như ông hé lộ, công suất làm giàu urani của Iran hiện ở mức 38.000 SWU và con số này có thể nhanh chóng tăng lên gần 40.000 SWU.

Trước đó, cùng ngày, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định: “Không có vấn đề gì với một thỏa thuận hạt nhân, nhưng không ai được động đến ngành công nghiệp hạt nhân của Iran”. Tuyên bố này được diễn giải là nhắc đến tính bất khả xâm phạm của một đạo luật chiến lược được Quốc hội Iran thông qua vào năm 2020, theo đó yêu cầu chính phủ hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời đẩy nhanh tiến trình phát triển chương trình hạt nhân của nước này vượt ngoài giới hạn đề ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. “Chúng tôi không muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng họ (phương Tây) cũng không thể ngăn cản những tiến bộ về hạt nhân của chúng tôi từ trước đến nay” - một lần nữa, Đại giáo chủ Iran làm rõ.

Những động thái này không làm bất cứ nhà quan sát quốc tế nào ngạc nhiên. Đây là sự đáp trả tất yếu, phản hồi cho những tín hiệu từ Washington. Ngày 10/6, truyền thông Israel, dẫn các nguồn phương Tây, hé lộ: Trong các cuộc đàm phán gián tiếp ở Oman hồi tháng 5 vừa qua, một số quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ phản ứng nghiêm khắc, nếu Iran làm giàu urani đến độ tinh khiết 90%.

Trong một cơ sở làm giàu urani của Iran.

Trong một cơ sở làm giàu urani của Iran.

Trước đó, hôm 8/5, Điều phối viên về Trung Đông của Mỹ Brett McGurk đã tới Oman, để thảo luận với các quan chức chủ nhà về những phản ứng tiềm năng của Nhà Trắng đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Theo ước tính của IAEA, Iran hiện đang sở hữu 114,1kg urani được làm giàu ở cấp độ 60% tinh khiết. Cấp độ này chỉ còn cách cấp độ vũ khí hạt nhân (tương đương 90% tinh khiết) một bước ngắn. Và vào ngày 31/5, IAEA cũng cho biết: Tính đến ngày 13/5, tổng kho dự trữ urani đã được làm giàu của Tehran ước tính lên đến 4.744,5 kg, trong khi giới hạn trong thỏa thuận 2015 chỉ là 202,8 kg (nghĩa là vượt tới 23 lần).

Tuy nhiên, báo cáo này cũng ghi nhận rằng Iran đã giải quyết hai yêu cầu còn tồn đọng trước đó với IAEA. Các thanh sát viên hạt nhân không còn thắc mắc về các dấu vết hạt nhân được phát hiện đã làm giàu tới mức 83,7% tại cơ sở ngầm Fordo.

Nhưng dù sao, cả Washington lẫn Tehran cũng đều bác bỏ những đánh giá lạc quan, về việc hai bên đã đạt được những tiến triển trong các cuộc đàm phán thông qua Oman, nhằm hồi sinh một thỏa thuận từng được chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama xem là “thỏa thuận lịch sử” năm 2015, mang tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ấy.

Một cách ngắn gọn, cả Iran lẫn Mỹ đều chưa sẵn sàng thỏa hiệp, và khúc mắc mấu chốt vẫn là điểm sa lầy cũ, tồn tại từ khi các cuộc đàm phán được nối lại từ năm 2021 cho đến hiện tại: Mỹ (và phương Tây) có sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, như một hành động thiện chí mang tính tiên quyết, hay không?

Bất cứ sự thỏa hiệp vội vã nào cũng có thể khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden bị xem là “đầu hàng trước Iran”.

Bất cứ sự thỏa hiệp vội vã nào cũng có thể khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden bị xem là “đầu hàng trước Iran”.

Iran trên “bàn cờ lớn”

Nhưng có lẽ, ở thời điểm hiện tại, từ một góc nhìn cao hơn và trên một bình diện rộng hơn, câu hỏi thực tế có lẽ là: Mỹ và phương Tây có thật sự muốn hồi sinh JPCOA hay không?

Bất kể chuyện vào ngày 10/6, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Pháp (một trong nhóm P5+1 ký JCPOA với Iran hồi năm 2015, bên cạnh Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Đức) đã có cuộc điện đàm kéo dài tới 90 phút, để thảo luận về tăng cường hợp tác song phương cùng nhiều vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm (bao gồm cả tiến trình hồi sinh JCPOA), thì đối với Washington, vị thế ngày càng trở nên quan trọng của Iran ở khu vực Trung Đông (bất chấp mọi lệnh trừng phạt) vẫn thực sự có thể xem là một “cái gai trong mắt”.

Vị thế này được bồi đắp một phần cũng chính bởi sự “lơi lỏng” của nước Mỹ đối với khu vực, điều dẫn tới những hiện trạng: Sự “lạnh nhạt” từ một đồng minh truyền thống (và có vai trò lãnh đạo cả cộng đồng các quốc gia Arab Hồi giáo lẫn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ/OPEC) là Saudi Arabia; sự gia tăng tầm ảnh hưởng của một đại cường là Trung Quốc, với nỗ lực thúc đẩy hàn gắn mối quan hệ vốn nhiều trắc trở giữa Saudi Arabia và Iran; sự phục hồi vị thế trong cộng đồng Arab Hồi giáo của chính quyền đương kim tổng thống Syria (đồng minh khăng khít của Iran và nước Nga) Bashar Al Assad (vốn từng bị Washington nhất quyết đặt mục tiêu “truất phế” trong quá khứ).

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: Israel sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chính mình trước những nguy cơ tiềm ẩn trong bất cứ thỏa thuận nào (giữa Mỹ) với Iran.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: Israel sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chính mình trước những nguy cơ tiềm ẩn trong bất cứ thỏa thuận nào (giữa Mỹ) với Iran.

Ngày 8/6, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken tại cuộc họp của những người đồng cấp các nước thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Washington đã và đang cố gắng “gây thanh thế” trở lại. Song, dĩ nhiên, cho dù đã có một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, vị thế đích thực của nước Mỹ hiện tại ở Trung Đông vẫn bị đặt dưới rất nhiều hoài nghi.

Bối cảnh ấy hoàn toàn không dễ dàng gì cho những ý tưởng của Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Trái ngược với những tuyên bố trong “cương lĩnh hành động” của đương kim tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối năm 2020 hay đầu năm 2021, việc tiến trình đàm phán hồi sinh JCPOA cứ kéo dài để mang dáng dấp của một vũng lầy đang khiến cho chính quyền Washington hiện tại chẳng những chưa đạt được thành tựu ngoại giao (để làm “vốn” cho đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2024), mà còn khiến họ trở nên thiếu cứng rắn, trong khi vị thế của các “kình địch” dần được củng cố hoặc khuếch trương thêm.

Đó là chưa kể, việc Iran tuyên bố chế tạo thành công tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Fattah (ngày 5/6) làm gia tăng áp lực của một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi nó có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ và Israel, kể cả hệ thống Vòm Sắt. Và dĩ nhiên, Iran luôn sẵn sàng chia sẻ các thành tựu quan trọng kiểu như thế với… quân đội Nga.

Đến lúc này, Iran vẫn không có lý do gì để nhượng bộ và “xuống thang” trước, trong quan điểm đàm phán về JCPOA, cũng như với nước Mỹ. Tehran, dù vô cùng khó khăn, cũng vẫn đang đứng vững trước các lệnh trừng phạt, và thậm chí ngày một trở nên mạnh mẽ.

Nước Mỹ đã không còn tư cách thành viên của nhóm P5+1 cũng như JCPOA .

Nước Mỹ đã không còn tư cách thành viên của nhóm P5+1 cũng như JCPOA .

Không chỉ vậy, trên lý thuyết, lập luận của họ là rất khó phản bác. Nước Mỹ (thời cựu Tổng thống Donald Trump) mới là phía “xé bỏ” JCPOA trước, chứ không phải họ. Cũng nước Mỹ ấy áp đặt những lệnh trừng phạt mà Tehran cho là vô lý và không thể chấp nhận, khiến Iran bắt buộc phải đáp trả bằng cách đảo ngược những cam kết hạ thấp mức làm giàu urani. Và trong hiện tại, nước Mỹ cũng không còn sở hữu tư cách thành viên chính thức của nhóm P5+1. Thực tế là mọi phái đoàn Mỹ, từ 2 năm qua, không có cơ hội đối thoại trực tiếp với phía Iran, mà mọi động thái trao đổi thông tin đều bắt buộc phải được tiến hành qua các kênh trung gian.

Khi không còn nhiều thời gian, liệu Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ có sẵn sàng thỏa hiệp, nghĩa là nới lỏng trừng phạt, với một đối phương “cứng đầu” và đã “chọn phe” một cách rõ ràng, cũng như đủ khả năng uy hiếp thế cờ địa chính trị của họ ở Trung Đông như vậy không? Câu hỏi này không dễ trả lời, bởi lời giải đích thực lại nằm ở ngay trong “sóng gió chính trường” nước Mỹ, nhất là sau cơn “bạo bệnh” mang tên “trần nợ công” vừa tạm khép lại, với không ít dư chấn vẫn sẽ còn tác động đến tình hình kinh tế - xã hội và dĩ nhiên là cả tâm trạng các cử tri nước Mỹ…

Mây Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/thoa-thuan-hat-nhan-iran-canh-cua-moi-va-chang-duong-vong-cu-i697121/