Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban: Khởi đầu cho một kết thúc
'Taliban và Mỹ đang tiến rất gần với thỏa thuận hòa bình; và mọi thứ sẽ rõ ràng trong 2 tuần tới'.
Tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là thông tin “tích cực”, là điểm khởi đầu của tiến trình chính trị giữa các bên tại Afghanistan, hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến dai dẳng, vốn đã kéo dài gần 20 năm qua tại quốc gia Tây Nam Á này.
Phát biểu trong một chương trình phát thanh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (13/2) cho biết, nước này đang có “cơ hội tốt”, để đạt được thỏa thuận hòa bình với lực lượng nổi dậy Taliban ở Afghanistan trong vòng 2 tuần tới. Tuyên bố này được xem là lời xác nhận nữa trước các nguồn thông tin gần đây cho rằng, Mỹ - Taliban đã đạt được sự thống nhất trong nhiều vấn đề quan trọng, gai góc tại các cuộc đàm phán ở Qatar.
Trên chuyến bay tới Munich, Đức, hôm qua (13/2), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tái khẳng định, vài ngày qua, đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã đạt được nhiều “đột phá”. Dự kiến, tại Munich, ông Pompeo sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Afghanistan Ghani để thảo luận thêm về những “đột phá” này.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 13/2 cũng tiết lộ, Mỹ và Taliban đã đàm phán về một đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời gian cụ thể để các bên giảm bạo lực.
Phát biểu tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết: “Mỹ và Taliban đã đàm phán đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày. Tôi ở đây hôm nay, một phần để tham khảo ý kiến với các đồng minh về đề xuất này. Chúng tôi đã có một loạt các cuộc họp song phương và đa phương hữu ích về con đường phía trước. Tôi đã nói rằng, giải pháp tốt nhất sẽ là một thỏa thuận chính trị. Tiến bộ đã được thực hiện ở khía cạnh này và chúng tôi sẽ sớm báo cáo chi tiết về điều đó”.
Theo một số nguồn tin, thời gian 7 ngày là quãng thời gian để Mỹ kiểm chứng việc các thủ lĩnh Taliban có thể kiểm soát được các cuộc tấn công khủng bố của các tay súng “dưới chướng” của phiến quân này hay không.
Trước đó, hãng tin Reuters của Anh dẫn các nguồn thạo tin cho biết, thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có thể được ký kết ngay trong tháng này, nếu Taliban giảm đáng kể tình trạng bạo lực.
Hiện Mỹ và Taliban đang thảo luận về Thỏa thuận hòa bình, bao gồm 4 vấn đề chính là: Taliban đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến như IS và Al Qaeda sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; các bên tại Afghanistan phải đối thoại trực tiếp và một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn phải đạt được giữa các bên.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổng thống Mỹ, nước này ban đầu sẽ rút một phần trong tổng số khoảng 13.000 binh sĩ ở Afghanistan về nước và vẫn để lại khoảng 8.600 quân để giám sát việc Taliban thực hiện các bước đi của thỏa thuận hòa bình.
Ngay lập tức, dư luận Mỹ có những ý kiến “trái chiều” về thỏa thuận hòa bình mà chính phủ nước này sắp đạt được với Taliban. Một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ bước chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh, vốn kéo dài hơn 18 năm qua, giúp Tổng thống Trump “ghi điểm” nhiều hơn trước cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại tỏ ra không mấy lạc quan, họ không tin tưởng vào những gì Taliban cam kết, họ lo sợ Taliban vào mùa xuân tới sẽ lại tiếp tục các cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ Afghanistan mà phiến quân cho rằng các nước phương Tây dựng lên, thay vì cam kết đối thoại. Và cũng giống với hồi tháng 9/2019 - thời điểm Mỹ và Taliban thông báo đang ở rất gần thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến, song sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc phải tuyên bố hoãn tiến trình này với lý do Taliban gây bạo lực./.