Thỏa thuận 'kỳ lạ' 550 tỷ USD giữa Tổng thống Trump và Nhật Bản
Nhật Bản sẽ rót 550 tỷ USD vào một quỹ đầu tư do Tổng thống Trump toàn quyền quyết định, với Mỹ giữ 90% lợi nhuận. Thỏa thuận chưa từng có này được coi là 'phí vào bàn đàm phán', cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của ông Trump với kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Trump sẽ quyết định cách sử dụng 550 tỷ USD mà chính phủ Nhật Bản đã đồng ý đầu tư như một phần của thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ Phục hồi Kinh tế Akimasa Akazawa và Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: Wikimedia Commons
Tối 22/7 (theo giờ địa phương), Ryosei Akazawa – trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản – ngồi đối diện Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục, bên cạnh là các Bộ trưởng Tài chính, Thương mại và Ngoại giao Mỹ, cố gắng thuyết phục ông Trump rút lại mức thuế trừng phạt mà ông đã đe dọa áp lên Nhật.
Món quà khổng lồ
Theo tờ New York Times, như một món quà, các nhà đàm phán Mỹ và Nhật đưa ra đề xuất phi thường: Nhật Bản sẽ thành lập một quỹ đầu tư trị giá 400 tỷ USD, do chính ông Trump quyết định đầu tư vào đâu, và một nửa lợi nhuận sẽ chảy vào ngân sách chính phủ Mỹ.
Đề xuất này đánh dấu sự mở rộng đáng kể quyền kiểm soát của Tổng thống đối với đầu tư trong nước – một ý tưởng khiến ông Trump rất hài lòng. Ngay lập tức, ông bắt tay vào việc đàm phán lại các điều khoản, gạch đi những con số và viết tay vào tấm sơ đồ lớn mà Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick mang đến cuộc họp. Cuối cùng, ông Trump nâng mức cam kết lên và tuyên bố rằng Nhật Bản – vốn đã là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Mỹ – sẽ thành lập một quỹ trị giá 550 tỷ USD để đầu tư vào Mỹ, với 90% lợi nhuận thuộc về chính phủ Mỹ.
Thông báo này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi lớn: Liệu khoản đầu tư đó có thực sự được thực hiện? Và Tổng thống sẽ quyết định phân bổ số tiền ấy như thế nào? Tuy nhiên, thỏa thuận này dường như chính là chìa khóa giúp Nhật Bản – vốn không muốn mở cửa thị trường nông sản và nhất quyết yêu cầu giảm thuế xe hơi – thuyết phục được ông Trump ký vào một hiệp định thương mại.
Đây cũng là một cách tiếp cận mới mẻ khác đối với việc hoạch định chính sách kinh tế của ông Trump, người đã phá vỡ những quan điểm thông thường của Washington về thương mại và có cái nhìn bao quát về quyền kiểm soát nền kinh tế mà các tổng thống nên có.
Karoline Leavitt, Thư ký báo chí Nhà Trắng, ngày 23/7 đã mô tả khoản đầu tư này là "trọng tâm" của thỏa thuận thương mại với Nhật Bản. Bà cho biết số tiền đầu tư sẽ được phân bổ "theo quyết định và chỉ đạo của Tổng thống Trump vào các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, chất bán dẫn, khoáng sản thiết yếu, dược phẩm và đóng tàu".
Phát biểu tại một sự kiện về trí tuệ nhân tạo cùng ngày 23/7, ông Trump gọi quỹ này là "tiền thưởng ký kết" và tuyên bố rằng Nhật Bản sẵn sàng trả trước để có được đặc quyền đàm phán với Mỹ.
Đối với các quốc gia khác không đàm phán, ông nói, Mỹ sẽ áp đặt "mức thuế quan đơn giản trực tiếp" từ 15 đến 50%.
Việc công bố thỏa thuận với Nhật Bản được đưa ra một tháng sau khi chính quyền Tổng thống Trump công bố một thỏa thuận bất thường khác với Tokyo, trong đó chính phủ đồng ý bán nhà sản xuất thép U.S. Steel cho Nippon Steel của Nhật Bản, nhưng vẫn dành "cổ phần vàng" cho ông Trump, cho phép ông phủ quyết một số quyết định của công ty.
Quỹ đầu tư chưa từng có tiền lệ
Douglas Irwin, một sử gia thương mại tại Dartmouth, gọi động thái thành lập quỹ đầu tư Mỹ - Nhật giống như kế hoạch cổ phần vàng, là "chưa từng có tiền lệ". Ông nói rằng các tổng thống trước đây đã khuyến khích các quốc gia khác tăng cường đầu tư nước ngoài vào Mỹ, nhưng theo hiểu biết của ông, họ không yêu cầu các khoản đầu tư đó được thực hiện theo chỉ đạo của riêng họ.
Ba người quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết ý tưởng về quỹ đầu tư Nhật Bản xuất phát từ Bộ trưởng Lutnick, người cũng đã giúp đàm phán cổ phần tại Nippon. Ông Lutnick đã đề xuất các thỏa thuận sơ bộ cho quỹ này với tổng thống vào tháng 1, sau khi nghe tin Nhật Bản khó có thể mở cửa thị trường ở mức độ mà ông Trump mong muốn.
Tổng thống Mỹ vốn không hài lòng với cơ cấu ban đầu, được đề xuất vào đầu năm. Tuy nhiên, ý tưởng về việc huy động các nguồn vốn có thể được đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, như dược phẩm và khoáng sản, đồng thời kiếm tiền để trả nợ, đã thu hút ông - nguồn tin trên cho biết.
Thỏa thuận đã được thống nhất trong một loạt các cuộc họp giữa các quan chức Mỹ và Nhật Bản, bao gồm 8 chuyến thăm Washington của ông Akazawa, và các cuộc gọi video với ông Lutnick kéo dài đến tận đêm khuya.
Vị quan chức này cho biết tổng thống sẽ là người quyết định cuối cùng về các khoản đầu tư và lợi nhuận sẽ được chuyển vào Bộ Tài chính và có thể được sử dụng để trả nợ cho Mỹ.
Bộ Thương mại sẽ chịu trách nhiệm thực hiện, với "cơ chế tăng tốc đầu tư" mới được ông Lutnick thành lập đóng vai trò chủ chốt, một quan chức chính quyền khác cho biết. Một người khác am hiểu về kế hoạch này cho biết cơ chế thực hiện vẫn cần được xác định.
Chi tiết chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng tổng số tiền của quỹ dường như bao gồm vốn chủ sở hữu, các khoản vay và bảo lãnh vay.
Bộ trưởng Thương mại Lutnick dường như đặc biệt quan tâm đến những cách thức mới lạ để củng cố tài chính chính phủ. Ông đã ủng hộ kế hoạch của ông Trump về việc cấp quyền công dân cho người nước ngoài giàu có bằng "thẻ vàng", và nói về việc chính phủ sẽ cắt giảm một phần từ bằng sáng chế và sáng kiến, cũng như đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán thương mại và thuế quan của tổng thống cùng với Jamieson Greer, Đại diện Thương mại Mỹ, và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.
“Đây là cam kết đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay được bất kỳ quốc gia nào đảm bảo và sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại Mỹ, mở rộng sản xuất trong nước và đảm bảo sự thịnh vượng của nước Mỹ qua nhiều thế hệ”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/7. Thông báo cho biết số tiền này có thể được sử dụng để hiện đại hóa lưới điện, mở rộng nghiên cứu chất bán dẫn, khai thác và tinh chế các khoáng sản quan trọng, và các mục đích sử dụng khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thương mại đã chỉ ra rằng những khoản đầu tư như vậy có thể mất nhiều năm mới được triển khai, hoặc đặt câu hỏi về tính khả thi của chúng.
Bà Veronique de Rugy, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Mercatus, gọi những lời hứa này là “mơ hồ” và cho rằng chúng là “những tuyên bố viển vông phù hợp với một cuộc vận động tranh cử hơn là một thông báo thương mại nghiêm túc”.