Thỏa thuận quyền sử dụng đất, không thể 'đầu thì dân sự, đuôi thì hành chính'
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất có thêm quy định mang tính nguyên tắc là Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận được.
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) sáng 25/8, một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình với phương án mới xử lý đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, một số ý kiến đề nghị có cơ chế xử lý trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích thực hiện dự án, tạo điều kiện triển khai thực hiện dự án không bị tắc nghẽn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của số đông người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo quy định mang tính nguyên tắc là Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư thỏa thuận được 80% số người sử dụng đất và 80% diện tích thực hiện dự án trở lên.
Do đây là vấn đề chưa được quy định tại Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, nên một phương án khác Thường trực Ủy ban Kinh tế xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình.
Đó là, việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự, việc Nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất đối với các trường hợp không thỏa thuận được thì không phù hợp, dễ dẫn tới khiếu kiện. Để đảm bảo việc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất thành công, nhà đầu tư cần phải tính toán về quy mô, địa điểm thực hiện dự án cho phù hợp
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đồng tình với phương án bổ sung quy định Nhà nước thu hồi với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận được. Bởi vì thực tiễn ở rất nhiều dự án, đa số hộ dân thực hiện thỏa thuận xong, chấp nhận đền bù, nhưng còn một số rất nhỏ không chấp nhận mức đền bù chủ đầu tư đưa ra.
“Trong trường hợp này, nếu như chúng ta vẫn áp dụng nguyên tắc thỏa thuận, vẫn để nhà đầu tư phải đáp ứng bằng được các yêu sách của những người còn lại, thì sẽ không thực hiện được dự án, ảnh hưởng đến tiến độ chung của quá trình phát triển các đô thị của chúng ta”, ông Mạnh phát biểu.
Vẫn theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách thì “trong thực tiễn, không phải chỉ là những người dân thuần túy sống ở trên những mảnh đất đó mà nhiều nhà đầu cơ, thậm chí người quen thân của cán bộ mua trước rồi tìm cách ép bằng được các nhà phát triển hạ tầng”, ông Mạnh nói.
Để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, ông Mạnh đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc trong luật là mức đền bù với những hộ dân còn lại sẽ tương đương với mức trung bình của các hộ đã chấp nhận thỏa thuận trước đó, làm căn cứ để Nhà nước thực hiện thu hồi phần diện tích còn lại.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị không quy định về việc nếu như đã thỏa thuận được 80%, 20% còn lại nếu chưa thỏa thuận được thì Nhà nước đứng ra thu hồi.
Bà Nga nêu rõ, hiện có 2 cơ chế thu hồi đất. Cơ chế thứ nhất là thu hồi bằng con đường hành chính. Cơ chế thứ hai là bằng con đường thỏa thuận. Tức là một bên hành chính, một bên dân sự. “Bây giờ, chúng ta lại đưa ra một cơ chế thứ ba, đầu thì dân sự, đuôi thì hành chính. Chỗ này phải hết sức cân nhắc”, bà Nga nói.
“Chúng tôi đề nghị, thỏa thuận thì theo cơ chế thỏa thuận hoàn toàn; mà hành chính thì theo cơ chế hành chính hoàn toàn. Còn nếu chúng ta đầu dân sự, đuôi hành chính thì sẽ không đảm bảo quyền và dễ xảy ra khiếu kiện”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Đề cập vấn để này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần phải thực hiện theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây cũng là một trong 19 nhóm chính sách đã được trình ra Trung ương Đảng thảo luận, nhưng không được chấp nhận.
“Đối với những vấn đề này trong nguyên tắc của chúng ta là không được đưa ra, cho đến nay tôi thấy các đồng chí không nghiêm”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Huệ, trường hợp dùng cơ chế hành chính cộng một chút dân sự thì được. Ví dụ như Nhà nước bồi thường thu hồi đất nhưng còn một số hộ vướng mắc thì chủ đầu tư có thể bồi dưỡng thêm, vì để lâu không có lợi. Tuy nhiên, khi đã thỏa thuận được 80% coi như xong rồi mà áp đặt hành chính thu hồi thì dẫn đến vướng mắc.
“Được số 20% này thì vướng 80% số trước đây. Được lòng đất, mất lòng đò. Chúng tôi là những người gương mẫu đi trước hóa ra chúng tôi lại thiệt thòi”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Gợi ý giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đồng ý phải hỗ trợ chủ đầu tư trong các trường hợp gặp vướng mắc khi thỏa thuận nhưng phải hỗ trợ theo Luật Dân chủ cơ sở, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… cùng với nhà đầu tư bàn bạc, chứ Nhà nước không nên đứng ra thu hồi.
“Còn vài chục phần trăm nữa lại áp đặt, người ta không chấp hành lại đi cưỡng chế, đang từ cơ chế thỏa thuận bây giờ lại sang cưỡng chế thì có được không”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.