Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sắp hết hạn, điều gì sẽ xảy ra?

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn so với những gì đã được công bố. Trung Quốc còn tuyên bố sẽ 'mua bất cứ thứ gì mà Mỹ có thể vận chuyển'! Điều này khiến giới quan sát lạc quan hơn dù Thỏa thuận thương mại giữa hai cường quốc sắp hết hạn.

Bức tranh thương mại Mỹ-Trung

Với việc Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hết hạn vào cuối năm nay, Trung Quốc cho rằng nguồn cung từ Mỹ mới là trở ngại trong các vấn đề giữa 2 nước.

Nhiều nguồn tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau và với tần suất nhiều hơn những gì đã được công khai. Ảnh: Getty Images

Song nhiều nguồn tin ở Trung Quốc cũng nói rằng hai nước đã tham gia vào các cuộc thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau và với tần suất nhiều hơn những gì đã được công bố. Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung vào tháng 11 vừa rồi, phía Trung Quốc còn thề sẽ “mua bất cứ thứ gì mà Mỹ có thể vận chuyển”.

Nhưng hiện tại, Trung Quốc tiếp tục thâm hụt trong cam kết mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với trị giá ít nhất 200 tỷ USD, trong đó hàng hóa vật chất trị giá 162,1 tỷ USD. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), tổng lượng mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2021 chỉ đạt 60% tổng số cam kết.

Theo các nhà phân tích, sự gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng trong năm nay ảnh hưởng tới lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, những gián đoạn như vậy không phải là yếu tố quyết định, chính trị cũng vậy.

Đối với một số sản phẩm, Trung Quốc sẵn sàng tích trữ trong bối cảnh thị trường hàng hóa có nhiều biến động. Nhưng với những thứ khác, Trung Quốc có thể là không cần, hoặc không muốn mua quá nhiều.

He Weiwen, cựu tham tán kinh tế và thương mại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco, cho biết các mục tiêu ngay từ ban đầu đã xa vời thực tế về cả cả cung và cầu. “Thứ nhất, Trung Quốc không cần nhiều hàng hóa như vậy trong hai năm. Thứ hai, Mỹ cũng không thể cung cấp nhiều thứ như vậy trong hai năm”, ông cho biết.

Ban đầu, đại dịch gây ảnh hưởng đến cả cung lẫn cầu. Nhưng đến thời điểm này, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng nguyên nhân chính nằm ở nguồn cung.

Lu Xiang là một chuyên gia về Mỹ-Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), đã khảo sát các công ty vận tải biển Trung Quốc trong những tháng gần đây. Ông cho biết các container mà nước này dùng để vận chuyển hàng hóa từ Mỹ trong năm nay hầu hết đã về. “Không có nhiều hàng tại các cảng của Mỹ, vì vậy các tàu phải tay không trở về. Đây là một vấn đề rất thực tế”, ông nói.

Do nhu cầu lớn đối với các sản phẩm của Trung Quốc, giá vận chuyển từ phía tây châu Á đến Mỹ đã tăng lên 26.000 USD/container 40 feet trong quý 3 năm nay - gấp 20 lần so với chiều ngược lại. Giá cả sau đó đã hạ nhiệt một chút, song chiều đi vẫn cao gấp 17 lần chiều về.

Tại sao thiếu hàng?

Nhiều mặt hàng chính mà Trung Quốc muốn nhập khẩu từ Mỹ chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn, bao gồm các sản phẩm năng lượng. Cụ thể, xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang Trung Quốc có kết quả kém nhất trong ba lĩnh vực hàng hóa: năng lượng, sản xuất và nông nghiệp.

ẢNH 2: Dữ liệu mới từ Trung Quốc cho thấy thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi 2 nước vẫn đang tranh cãi về một loạt vấn đề. Ảnh: Bloomberg

Dữ liệu của PIIE cho thấy việc mua các sản phẩm năng lượng của Trung Quốc chỉ đạt 37% mục tiêu giai đoạn một tính đến tháng 10. Chi tiết hơn, trong số 67,7 tỷ USD cam kết mua các sản phẩm năng lượng, riêng dầu thô chiếm gần 60%, thì Trung Quốc mới chỉ đạt 34% mục tiêu tính đến tháng 10.

Vấn đề nằm ở chỗ sản lượng khai thác dầu hàng năm của Mỹ vẫn ở mức dưới mức năm 2019, do các nhà đầu tư thận trọng về việc mở rộng sản xuất, một phần do lợi nhuận kém, cũng như do áp lực ngày càng tăng trong cam kết trung hòa carbon.

Theo số liệu của PIIE, nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong thương mại Mỹ - Trung, với mức mua thực tế đạt 83% so với mục tiêu giai đoạn một tính đến tháng 10 năm nay.

Việc Trung Quốc gia tăng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ là động lực chính khiến giá thực phẩm thị trường thế giới tăng trong năm nay. Và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc dường như đứng sau các vụ mua bán kỷ lục.

“Việc mua bán đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước để bù đắp cho việc không có nhu cầu thực sự. Điều này đi ngược lại những lời phàn nàn Mỹ về mô hình kinh tế của Trung Quốc”, Nick Marro, nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, cho biết.

Lin Guofa, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Bric Agricultural Group, lưu ý rằng với kho dự trữ nông sản lớn, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng họ có quyền kiểm soát thị trường nhiều hơn, giúp các biến động sẽ không ảnh hưởng đến xã hội.

Nhưng không giống hàng hóa nông nghiệp, Trung Quốc không cần phải dự trữ nhiều loại sản phẩm chế tạo, đặc biệt là do tiêu thụ nội địa yếu kém kể từ khi đại dịch xảy ra. Sự thiếu hụt trong nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc phần lớn đến từ ngành sản xuất là ô tô và máy bay. Nhưng sự thiếu hụt đó đã diễn ra hơn một năm trước, bắt nguồn từ các vấn đề trong năm 2018 - rất lâu trước khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vào năm 2021”.

Bước tiếp theo là gì?

Với việc Thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ hết hạn trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa, các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ-Trung có thể sắp diễn ra, dù những bất ổn và căng thẳng vẫn còn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói với các phóng viên vào tháng trước rằng chính quyền Biden đang “gây sức ép ” với Trung Quốc và có ý định buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thỏa thuận thương mại sắp hết hạn, do những thiếu hụt trong việc thực hiện các cam kết của Bắc Kinh.

Song theo chuyên gia Lu Xiang, việc mua bán không phải một trở ngại không thể vượt qua trong các cuộc đàm phán, vì cả hai bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng một cách vô điều kiện, nhưng đều không muốn đó.

Ông nhận định: “Vì Trung Quốc chưa muốn chấm dứt thỏa thuận, nên tôi không nghĩ bên nào nên có tranh chấp lớn về vấn đề này”. Vị cựu quan chức ngoại giao này nói thêm rằng "hai bên nên có thái độ khách quan và nhìn vào thực tế để giải quyết các vấn đề thương mại của mình.

Cuối cùng, lưu ý các mục tiêu mua hàng là một cam kết, không phải một hợp đồng thương mại. Điểm mấu chốt là các bên có thực sự sẵn lòng hợp tác với nhau hay không. Và với những gì đang diễn ra, thế giới có thể lạc quan về những cái bắt tay thương mại tiếp theo giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-sap-het-han-dieu-gi-se-xay-ra-post173044.html