Thỏa thuận thương mại với Nhật Bản thúc đẩy triển vọng xuất khẩu thịt của Mỹ đến năm 2025

Chưa đầy một tháng kể từ khi Hiệp định Thương mại Mỹ - Nhật chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2020, triển vọng cho xuất khẩu thịt bò, thịt lợn và sữa của Mỹ đã trở nên sáng lạn hơn.

Thuế quan của Nhật Bản đối với thịt bò, thịt lợn và sữa của Mỹ đã giảm mạnh vào ngày đầu tiên của năm 2020, khiến các nhà cung cấp của Mỹ thậm chí còn phải đối mặt với các đối thủ nước ngoài đã được hưởng lợi từ thuế quan thấp hơn theo thỏa thuận thương mại với Nhật Bản. Đối với thịt bò và thịt lợn, Liên đoàn xuất khẩu thịt của Mỹ (USMEF) đang mong đợi nhiều hơn với dự kiến xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng cùng với nhu cầu. Ngày 30/01, Liên đoàn xuất khẩu thịt của Mỹ cho biết, thực tế là người tiêu dùng Nhật Bản sẽ giảm bớt gánh nặng thuế quan nên sẽ làm tăng mức tiêu thụ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nói cách khác, khi thuế quan giảm xuống, thịt bò và thịt lợn trở nên rẻ hơn, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ mua nhiều hơn, đẩy nhu cầu thịt nhập khẩu tăng cao hơn bao giờ hết. Đó là một quá trình sẽ kéo dài trong nhiều năm tới. USMEF hiện đang dự đoán rằng, Nhật Bản sẽ nhập khẩu khoảng 2,3 tỷ USD thịt bò Mỹ trong năm nay và thịt lợn Mỹ trị giá 1,7 tỷ USD - và những con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Đến năm 2025, Nhật Bản sẽ nhập khẩu thịt bò trị giá tới 2,8 tỷ USD và thịt lợn trị giá 2 tỷ USD. Nhưng viễn cảnh không phải lúc nào cũng tươi sáng như thế. Một trong những hành động chính thức đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Xuất khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ sang Nhật Bản đã bắt đầu trượt dốc vào năm ngoái khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu vận hành. Mỹ chỉ xuất khẩu 1,8 tỷ USD thịt bò và 1,14 tỷ USD thịt lợn sang Nhật Bản trong 11 tháng đầu năm ngoái. Đó là sự sụt giảm 7% đối với thịt bò và giảm 6% đối với thịt lợn và lý do rất rõ ràng: Nhật Bản cắt giảm thuế đối với thịt từ Australia, Canada và Mexico như một điều kiện của CPTPP, và Liên minh châu Âu được hưởng lợi từ một thỏa thuận riêng với Nhật Bản - các hiệp định này đều không có sự tham gia của Mỹ.

Bắt đầu từ ngày 01/4/2019, thuế quan đối với thịt bò từ CPTPP và các nước EU đã giảm xuống 26,6%; thuế quan của Mỹ vẫn ở mức 38,5%. Nhưng dưới áp lực từ ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác, Mỹ đã thuyết phục Nhật Bản - thị trường giá trị lớn nhất của thịt bò và thịt lợn Mỹ - để đàm phán một hiệp định thương mại song phương đảm bảo hầu hết các lợi ích CPTPP cho nông dân và chủ trang trại Mỹ.

Đối với hầu hết thịt bò ướp lạnh và đông lạnh của Mỹ, thuế quan của Nhật Bản đã giảm từ 38,5% xuống 26,6% vào ngày 01/01. Đến ngày 01/4, ngày đầu tiên của năm tài chính 2020 của Nhật Bản, thuế quan sẽ tiếp tục giảm - hiện đồng bộ với thuế quan trong CPTPP là 25,8%. Năm tới sẽ giảm xuống còn 25% và tiếp tục giảm hàng năm cho đến khi chỉ đạt 9% vào năm 2033.

Đối với thịt lợn, Nhật Bản sẽ loại bỏ thuế 20% đối với thịt lợn xay và thuế 10% đối với xúc xích trong vòng sáu năm. Nhật Bản cũng đồng ý cắt giảm ngay một nửa mức thuế 4,3% đối với tất cả thịt lợn tươi, ướp lạnh và đông lạnh. Và bây giờ, thịt bò và thịt lợn của Mỹ đang ở trên một sân chơi bình đẳng trở lại với các đối thủ quốc tế trên thị trường Nhật Bản, các nhà xuất khẩu Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu nhiều hơn. Mỹ có thể thay thế một số sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nhưng ngoài ra, cũng sẽ có thể tận dụng mức tiêu thụ tăng lên. Một ví dụ về điều đó có thể được nhìn thấy ở Hàn Quốc. Nước này hạ thuế thịt bò và thịt lợn và tiêu thụ tăng nhanh. Tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người đã tăng từ 22 pounds lên 27,5 pounds trong nhiều năm qua. Đây là một mô hình tốt cho những gì Mỹ mong đợi được thấy ở Nhật Bản.

Tháng 01/2020 là một tháng đặc biệt lớn đối với xuất khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ sang Nhật Bản, bởi vì các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã giữ lại các giao dịch vào tháng 12 năm ngoái, chờ đợi thuế quan sẽ giảm trong tháng 01 năm nay. Điều đó sẽ tạo ra một cú hích lớn vào tháng 1, nhưng sẽ tập trung hơn vào thành công trong những tháng tới.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thoa-thuan-thuong-mai-voi-nhat-ban-thuc-day-trien-vong-xuat-khau-thit-cua-my-den-nam-2025-131966.html