Thỏa thuận trần nợ công của Mỹ đối mặt 'cửa ải' Đồi Capitol

Tối 27-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, người đại diện của đảng Cộng hòa, đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công 'về nguyên tắc' có thể giúp Mỹ tránh vỡ nợ trong những ngày tới. Tuy nhiên, trước khi được ông Biden ký ban hành và có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ cần phải vượt qua các bất đồng chính trị sâu sắc và thủ tục bỏ phiếu mất nhiều thời gian ở ở Đồi Capital, nơi đặt trụ sở quốc hội Mỹ tại Washington.

Quốc hội Mỹ cần thông qua thỏa thuận tăng trần nợ công trước thời hạn cuối 5-6 để tránh rủi ro chính phủ Mỹ vỡ nợ vì không còn tiền để thanh toán nợ trái phiếu và các hóa đơn khác. Ảnh: Getty

Quốc hội Mỹ cần thông qua thỏa thuận tăng trần nợ công trước thời hạn cuối 5-6 để tránh rủi ro chính phủ Mỹ vỡ nợ vì không còn tiền để thanh toán nợ trái phiếu và các hóa đơn khác. Ảnh: Getty

Về cơ bản, thỏa thuận này sẽ tăng trần nợ công của chính phủ Mỹ, hiện tại 31,4 nghìn tỉ đô la, trong hai năm tới, và khống chế mức tăng chi tiêu ngân sách cho năm 2024 và 2025. Thỏa thuận cũng cho phép thu hồi nguồn quỹ hỗ trợ chưa sử dụng hết liên quan đến Covid-19, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho các dự án năng lượng và mở rộng yêu cầu công việc đối với người nhận trợ cấp tem phiếu thực phẩm.

Cụ thể, thỏa thuận sẽ giữ mức chi tiêu tùy ý, phi quốc phòng gần như không thay đổi trong năm tài khóa 2024, bắt đầu từ ngày 1-10-202m và giới hạn tăng chi tiêu tùy ý của năm tài khóa năm 2025 ở mức 1%. Chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa 2024 sẽ gần bằng mức đề xuất tăng 3% của Tổng thống Biden.

Thỏa thuận bao gồm nhiều thỏa hiệp mà các nghị sĩ cứng rắn của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều không đồng tình. Chẳng hạn, theo các quy định áp được tái áp dụng vào 7 tới sau khi bị đình chỉ trong đại dịch Covid-19, những người 18-49 có thu nhập thấp, khỏe mạnh (không bị khuyết tật) và không có người phụ thuộc chỉ nhận được trợ cấp tem phiếu mua thực phẩm với điều kiện họ làm việc ít nhất 20 giờ mỗi tuần. Thỏa thuận về trần nợ công đề xuất mở rộng điều kiện làm việc tối thiểu 20 giờ mỗi tuần để nhận tem phiếu thực phẩm sang cả những người ở độ tuổi 50-55 thu nhập thấp, khỏe mạnh và không có người phụ thuộc. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối đề xuất này.

Trong khi đó, các nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa cho rằng mức chi tiêu ngân sách trong thỏa thuận không bị cắt giảm mạnh như họ kỳ vọng.

Hiện tại, các trợ lý của Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đang chuyển nội dung thỏa thuận thành văn bản luật. Tiếp đó, Ủy ban quy tắc Hạ viện Mỹ sẽ thiết lập các quy tắc thảo thuận và bỏ phiếu cho thỏa thuận. Ông McCarthy cho biết ông sẽ tuân thủ quy tắc cho phép các nghị sĩ nghiên cứu nội dung thỏa thuận trong 72 giờ trước khi được đưa ra để bỏ phiếu tại Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế, vào ngày 31-5.

Nếu được Hạ viện thông qua, thỏa thuận sẽ được chuyển Thượng viện, nơi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát, để bỏ phiếu thông qua trước thời hạn cuối ngày 5-6, thời điểm mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bộ của bà không còn tiền để thanh toán các hóa đơn của chính phủ. Thời hạn cuối này mới được bà Yellen cập nhật, dài hơn 4 ngày so với ước tính của bà trước đây.

Tuy nhiên, quy trình bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ đôi lúc bao gồm đàm phán cho các sửa đổi hoặc các nhượng bộ. Nếu vấp phải sự cản trở tối đa, Chủ tịch Thượng viện Mỹ Chuck Schumer có thể chấp nhận một quy trình bỏ phiếu tốn nhiều thời gian hơn, có thể kéo dài đến hết cuối tuần. Nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi như kỳ vọng, Thượng viện Mỵ sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trần nợ công để chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Biden để ký ban hành.

Với thời hạn cuối chỉ còn hơn một tuần nữa, ông Biden và ông McCarthy cần phải nhanh chóng thuyết phục đủ số nghị sĩ trong các đảng của họ ủng hộ thỏa thuận để bảo đảm được thông qua tại lưỡng viện của quốc hội.

Nếu các nghị sĩ mất quá nhiều thời gian đàm phán sửa đổi nội dung thỏa thuận hoặc nếu thỏa thuận bị Hạ viện gạt bỏ vào phút cuối, điều này có nguy cơ khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, như đã xảy ra vào năm 2008 khi dự luật cứu trợ ngân hàng không được Hạ viện thông qua.

Tại Thượng viện, bất kỳ một nhà lập pháp nào cũng có thể sử dụng quy trình “câu giờ” (filibuster), cho phép họ tranh luận một vấn đề vô thời hạn nhằm trì hoãn việc bỏ phiếu. Quy trình này chỉ chấm dứt nếu có ít nhất 60 trong số 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý chấm dứt tranh luận. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee cho biết ông sẽ sử dụng quy trình này nếu ông không hài lòng với các đề xuất chi tiêu ngân sách trong thỏa thuận về trần nợ công.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán chính của ông McCarthy, thừa nhận sẽ là thách thức rất lớn để quốc hội thông qua dự luật về thỏa thuận về trần nợ công trước thời hạn cuối.

Một số thành viên bảo thủ của Hạ viện đã kích động chống lại thỏa thuận gần như ngay sau khi nó được công bố. Hạ nghị sĩ Ralph Norman gọi đây là thỏa thuận “điên rồ”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được nhiều nghị sĩ bảo thủ của phe Cộng hòa ủng hộ, từng nói rằng thà để cho nước Mỹ vỡ nợ còn hơn là chấp nhận một thỏa thuận “tồi tệ”.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thoa-thuan-tran-no-cong-cua-my-doi-mat-cua-ai-doi-capitol/