Thỏa thuận trên bàn thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn ở trại David

Lãnh đạo ba nước Mỹ - Nhật - Hàn dự kiến siết chặt hợp tác về kinh tế, công nghệ, xã hội và quân sự.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên tại trại David, bang Maryland, Mỹ ngày 18-8 (giờ địa phương).

Mỹ được cho là đang kỳ vọng hai đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở châu Á sẽ gạt bỏ được những mâu thuẫn trong quá khứ và hướng tới một liên minh ba bên thống nhất. Đây cũng là thượng đỉnh đầu tiên giữa nguyên thủ ba quốc gia này kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi năm 2021.

Siết chặt hợp tác đa lĩnh vực ba bên

Trả lời phỏng vấn truyền thông về sự kiện, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Nhật và Hàn Quốc là những đồng minh cốt lõi của Mỹ không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới. Do đó, việc thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng “không chỉ với Mỹ, mà còn cho cả khu vực và thế giới” - theo tờ The Wall Street Journal.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết ý tưởng về thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn Quốc được ông Biden đề xuất khi gặp ông Yoon và ông Kishida bên lề thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 5.

Hội nghị dự kiến sẽ thảo luận và thống nhất về cách thức nhằm “tăng cường thể chế hóa” các khuôn khổ hợp tác có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực châu Á. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận những vấn đề ưu tiên khác mà ba nước cùng quan tâm như an ninh kinh tế, các công nghệ mới nổi, hỗ trợ nhân đạo và các chương trình phát triển xã hội.

Trước đó, ngoại trưởng của ba quốc gia cũng đã tiến hành phiên họp trực tuyến hồi ngày 15-8 (giờ địa phương) để chuẩn bị cho thượng đỉnh. Các quan chức đã nhất trí siết chặt quan hệ ba bên trong giai đoạn hiện tại là cần thiết hơn bao giờ hết nhằm giữ vững Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở cũng như bảo vệ hòa bình thế giới.

Ngoài ra, Tổng thống Yoon Suk Yeol trong một phát biểu cũng bày tỏ hy vọng thượng đỉnh cũng sẽ đạt được đồng thuận về các biện pháp nhằm tăng cường khả năng đối phó với “mối đe dọa hạt nhân và tên lửa” của CHDCND Triều Tiên. Ông khẳng định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên “là mục tiêu rõ ràng và nhất quán của cộng đồng quốc tế”.

Hôm 16-8, ông Kurt Campbell, Phó Trợ lý của Tổng thống Biden kiêm điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho biết Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đang hướng tới thiết lập một đường dây nóng ba bên. Quá trình thiết lập đường dây nóng này dự kiến được khởi động sau thượng đỉnh, theo hãng tin Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại thượng đỉnh G7 ở TP Hiroshima, Nhật hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại thượng đỉnh G7 ở TP Hiroshima, Nhật hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc, Triều Tiên phản ứng mạnh

Phản ứng trước động thái của Mỹ và hai đồng minh, tờ Global Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Uông Văn Bân khẳng định TQ phản đối các hành vi gia tăng đối đầu và gây nguy hiểm cho an ninh chiến lược của các quốc gia khác. “Các quốc gia liên quan nên tuân theo xu thế thời đại và thực hiện nhiều hành động có lợi hơn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực” - ông Uông nhấn mạnh.

Một chuyên gia của TQ là GS Lý Hải Đông thuộc Học viện Ngoại giao TQ nhận định kết quả của thượng đỉnh ba bên này sẽ là bước đệm tiến tới thành lập một cơ chế an ninh giống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Bắc Á thông qua việc chia sẻ công nghệ quốc phòng và các cuộc tập trận chung.

“Cơ chế này thực sự tận dụng những lo ngại xuất phát từ các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng thiết kế của cơ chế này không nhằm mục đích giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh hiện có ở Đông Bắc Á. Thay vào đó, nó tìm cách lợi dụng những thách thức này để thiết lập một liên minh có khả năng chi phối chính trị theo ý muốn của Mỹ” - ông Lý cho hay.

Triều Tiên cũng đưa ra phản ứng cứng rắn, dù không trực tiếp liên quan tới thượng đỉnh sắp tới. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 hôm 15-8 cáo buộc Mỹ đã triển khai các phương tiện hạt nhân khổng lồ tới Hàn Quốc, làm tăng nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

“Mỹ đang theo đuổi chính sách thù địch đối với Triều Tiên, vi phạm nghiêm trọng các lợi ích an ninh và phát triển độc lập của Triều Tiên và đang đẩy tình hình ở Đông Bắc Á đến bờ vực bùng nổ chiến tranh hạt nhân” - ông Kang cho hay.

Ông cho rằng chính quyền Washington phải thừa nhận cố tình thực thi chính sách hiếu chiến đối với Bình Nhưỡng và nên từ bỏ cách tiếp cận đối đầu nếu thực sự muốn giải quyết cuộc khủng hoảng theo biện pháp hòa bình. “Cho tới lúc đó, biện pháp quân sự vẫn là cách duy nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” - ông Kang kết luận.•

Ba nước sẽ ký hai tuyên bố chung tại thượng đỉnh

Theo tờ The Japan Times, các nguồn tin nội bộ cho biết nguyên thủ ba nước Mỹ, Nhật và Hàn Quốc sẽ ký ít nhất hai tuyên bố chung, trong đó có một tài liệu mang tên “Các nguyên tắc trại David”. Nội dung sẽ nêu rõ lập trường cơ bản của ba quốc gia về các vấn đề như tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, tài liệu sẽ nhấn mạnh bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực “sẽ không được dung thứ”. Đoạn này được đánh giá là nhắm vào Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine tiếp tục leo thang và TQ với kế hoạch quân sự hóa các thực thể chiếm đóng phi pháp ở châu Á.

Tuyên bố còn lại sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác cụ thể, gồm việc thành lập bốn cơ quan cố vấn cho lãnh đạo ba nước, bên cạnh các cam kết về tổ chức các phiên tiếp xúc ngoại giao các cấp sẽ được tổ chức thường xuyên hơn.

The Japan Times cho biết tuyên bố chung nhiều khả năng sẽ đề cập vấn đề Đài Loan. Dù vậy, bất kỳ nội dung nào về ủng hộ một Đài Loan độc lập chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh nghi ngờ liên minh ba bên sắp hình thành là nhằm chuẩn bị cho một động thái quân sự liên quan đến hòn đảo này. TQ luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và nhiều lần tuyên bố sẵn sàng “thu hồi” hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoa-thuan-tren-ban-thuong-dinh-my-nhat-han-o-trai-david-post747314.html