Thoáng bóng hoàng mai
Tháng 10 âm lịch, 'chính vụ' của mùa mưa xứ Huế, mưa trút từng cơn nặng hạt, lòng tôi cũng bớt một phần lo lắng khi Tường - chàng thanh niên trẻ của làng mai Thế Chí Tây (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) - tự tin: 'Mưa ni tốt chị nờ, bà con mong mưa, hiện chừ mai đã ra nụ kim, năm ni nụ nhiều lắm, mưa lạnh sẽ làm trùm nụ hoa, kịp cho mùa tết. Trời mà nắng nhiều thì hoa mai sẽ nở sớm trước Tết hết'.
Nói chuyện với người trồng mai, tôi bỗng nghĩ loay hoay là đến Tết liền chứ chẳng chơi, nhưng trước mắt vẫn là lo phòng, chống lụt bão thật tốt, bình an đi qua tháng “cao điểm” mưa bão này với cái mốc lụt cuối cùng như dân gian Huế thường nói “Ông tha mà bà chẳng tha. Ông làm trận lụt hai ba tháng Mười”. Qua mốc thời gian này là xem như Huế hết lụt, bà con xuống đồng làm vụ mới và hoàng mai xứ Huế cũng bước vào mùa trảy lá mai.
Nếu thời tiết lạnh, những nhà vườn trồng mai bán Tết sẽ trảy lá vào đầu tháng 11 âm lịch, còn mai vườn nhà để chơi thì giữa tháng 11 hoặc đầu tháng 12 âm lịch mới trảy lá. Tại Lễ hội Hoàng mai đầu tiên của Huế, trong rất nhiều sắc vóc, dáng vẻ tuyệt đẹp của mai Huế, tôi đã đứng thật lâu bên gian trưng bày mai Điền Hòa, ngắm những cánh hoa mai màu vàng tươi, bông to, hương thơm dìu dịu lan nhẹ trong không gian mà nhớ đến lời của chú Nguyễn Văn Thành - một nghệ nhân trồng mai ở Thế Chí Tây: “Mai làng tui quý ở chỗ, cây trồng trên đất cát nghèo dinh dưỡng, đã kết bông nào thì đó là sự chắt lọc của đất trời nên mai Thế Chí Tây “kiên cường” lắm, lâu tàn và rất thơm”.
Thiên nhiên nhiều khi ban tặng con người những món quà quý không ngờ. Thế Chí Tây là vùng đất cát pha, nghèo dinh dưỡng thế mà rất thích hợp với hoàng mai - một loài hoa cao quý mà người Huế trân trọng và xem là biểu tượng của mùa xuân xứ Huế. Từ chỗ trồng để chơi, tự nghĩ ra các thế, dáng, rồi uốn cành, tỉa lá, những nghệ nhân - nông dân của Thế Chí Tây đã tạo ra nhiều dáng cây lạ, tạo hình phóng khoáng mà giản dị, nhìn rất có hồn. Tiếng mai đẹp Thế Chí Tây lan xa, ngoài sắc hoa và hương thơm còn nhờ một phần ở cách tạo dáng như thế. Bây giờ con cháu tiếp bước ông cha, nhiều thanh niên trẻ của làng Thế Chí Tây cũng say mê trồng mai, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Nhật Tường tích cực tham gia, trở thành hội viên của các Hội hoa mai của xã, huyện và tỉnh. Tường cho biết anh đang hỗ trợ bà con làng mình chăm sóc hoa mai. “Mấy bữa ni em đang đi giúp bà con chăm sóc mai, thời điểm ni cây đang ra nụ kim, đây là giai đoạn cần chăm sóc kỹ, bón phân đúng kỹ thuật để hoa nở được nhiều, nếu không là hoa sẽ rụng hết”.
Mưa bắt đầu nhẹ hạt, mùa mưa ở Huế bây giờ cũng không còn lê thê như những năm trước, tôi nhìn màn mưa bay nghĩ đến bà con trồng mai ở Thế Chí Tây và những người trồng mai ở Huế, những ngày mưa lạnh này là rất tốt cho hoàng mai. Đất trời đến mùa nắng hoặc mưa thì con người cũng đến hẹn theo mùa mà sắp xếp cuộc sống của mình. Hết đông là đến xuân, sự vật vần xoay và con người nương theo đó để mà gieo trồng, chăm bẵm cây cối. Tôi hình dung sắc hoa mai vàng tươi trên cổng làng Thế Chí Tây, ở thôn 1, thôn 3 trong giọng nói của Tường “Em hy vọng năm ni thời tiết sẽ thuận lợi cho hoa mai, lúc ấy cả làng em là một vườn mai vàng đó chị”. Tôi thì nghĩ thêm, đâu chỉ có làng em mà cả Huế là một vườn mai khổng lồ, Huế sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch vào dịp Tết này.
Vừa nghĩ đến việc mua đồ dự trữ cho những ngày mưa sắp đến, tôi vừa tính thời gian còn bao ngày nữa là đến Tết. Có người sẽ cười vì còn quá sớm để nghĩ đến Tết và hoa mai, nhưng Tường và bà con trồng mai ở làng Thế Chí Tây, bà con trồng mai ở khắp tỉnh đã bắt đầu những công việc đầu tiên cho mùa mai tết rồi. Vậy nên có nghĩ đến Tết lúc này cũng là động lực để đi qua mùa mưa xứ Huế một cách nhẹ nhàng và vui vẻ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/thoang-bong-hoang-mai-148612.html