Thoát nghèo nhờ chăn nuôi ngựa bạch

Nhiều năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế cao từ ngựa bạch, tận dụng lợi thế đất đồi rừng rộng, nhiều hộ dân ở các xã Phong Vân, Biên Sơn, Tân Sơn của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa.

Nhờ thị trường đầu ra ổn định nên mô hình đã mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế ở các xã miền núi này. Trước đây, người dân tại đây chủ yếu phát triển chăn nuôi trâu, bò...; nuôi ngựa chỉ để có sức kéo và làm phương tiện vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi ngựa bạch, người dân nhận thấy nuôi ngựa bạch ít bị dịch bệnh hơn so với nuôi trâu, bò và đầu ra lại ổn định nên đã đẩy mạnh mô hình chăn nuôi ngựa bạch.

Năm 2017, ông Hoàng Văn Thư ở thôn Niêng, xã Phong Vân bắt đầu chăn nuôi ngựa bạch. Khi mới nuôi, do chưa có vốn, ông chỉ đầu tư 3 con ngựa giống. Đồng cỏ rộng, thức ăn dồi dào nên sau hai năm, đàn ngựa đã sinh sản lứa đầu tiên. Hiện ông đang nuôi bán chăn thả 13 con ngựa bạch các loại, trong đó 7 con đang trong thời kỳ sinh sản.

 Chăn nuôi ngựa bạch mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Hoàng Văn Thư.

Chăn nuôi ngựa bạch mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Hoàng Văn Thư.

Bình quân, mỗi năm đàn ngựa nhà ông sinh sản từ 4 đến 5 ngựa bạch con, khi ngựa được 5-6 tháng tuổi, ông bán giống, thu về gần 200 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Thư cho biết: “Chăn nuôi ngựa nói chung, ngựa bạch nói riêng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, ít dịch bệnh và giá trị kinh tế cao. Việc chăn nuôi không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, quá trình nuôi ngựa bạch hoàn toàn có thể tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ, lá ngô kết hợp với ngô hạt hoặc thóc xay. Ngoài chăn thả ngoài tự nhiên, mỗi gia đình có thể trồng cỏ voi tại vườn nhà để bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Phong Vân cho biết: “Có thể khẳng định, việc chăn nuôi ngựa bạch đã cho kết quả đáng khích lệ giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống kinh tế ở địa phương. Hiện nay, toàn xã có gần 200 hộ chăn nuôi ngựa, với tổng đàn gần 1.600 con, trong đó trên 70% là ngựa bạch. Ngoài chăn nuôi thương phẩm, nhiều hộ còn cung cấp giống và các sản phẩm từ ngựa, mang lại giá trị kinh tế cao”.

Chia sẻ về định hướng chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi ngựa tại các xã vùng cao trên địa bàn huyện, đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai hỗ trợ các hộ gia đình chăn nuôi ngựa về con giống. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ về vaccine phòng dịch, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng chăn nuôi, nhân giống, mở rộng đàn cho bà con nhân dân, thành lập các hợp tác xã chăn nuôi ngựa bạch”.

Bài và ảnh: HẢI NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thoat-ngheo-nho-chan-nuoi-ngua-bach-788643