Thoát 'tháp ngà', nhà khoa học tìm 'đầu bài' từ doanh nghiệp

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng, để hợp tác 'ba nhà' đi vào thực chất, các trường đại học cần chủ động tìm kiếm 'đầu bài' từ chính nhu cầu của doanh nghiệp.

Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) cho hay, nhiều nghiên cứu trước đây có tính học thuật rất cao nhưng tính thực tiễn lại ít hơn. Do đó, các trường cần chủ động thoát khỏi ‘tháp ngà’, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để đi tìm lời giải cho các bài toán từ thực tế.

 GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Loan.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Loan.

"Tam giác chiến lược" cho sự phát triển

PV: Thưa bà, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bà đánh giá như thế nào về cơ chế hợp tác “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong bối cảnh hiện nay và ĐHQG TPHCM đã có những bước đi nào để hiện thực hóa chủ trương này?

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai: Với sự quyết tâm của cả hệ thống, năm 2024, lần đầu tiên ĐHQG TPHCM đã đạt con số ấn tượng khoảng 3.200 bài báo khoa học. Điều này cho thấy nếu có một chiến lược đúng đắn, được đầu tư bài bản và sự cố gắng chung, chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trước khi có Nghị quyết 57, ĐHQG TPHCM đã có các hoạt động hợp tác sâu rộng với 31 địa phương và khoảng 100 doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đánh giá lại, chúng tôi nhận thấy một thực tế rằng, hầu hết các dự án nghiên cứu khoa học trước đây, các ý tưởng chủ yếu đến từ chuyên môn của nhà khoa học. Vì vậy, các nghiên cứu này mang tính học thuật rất sâu, nhưng tính ứng dụng thực tiễn thì hiệu quả lại chưa cao.

Khi Nghị quyết 57 của Trung ương và Nghị quyết 71 của Chính phủ ra đời, chúng tôi xác định đây là cơ hội để thay đổi. ĐHQGTPHCM đã ngay lập tức ban hành chương trình hành động với những KPI (chỉ số đo lường hiệu quả) rất cụ thể, đồng thời chủ động thay đổi cách tiếp cận. Thay vì ngồi chờ, chúng tôi đã trực tiếp kết nối với các địa phương và doanh nghiệp.

Chúng tôi đã phối hợp với 8 địa phương để tổ chức hội thảo triển khai Nghị quyết 57, và trong các hội thảo này, không chỉ có lãnh đạo địa phương mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cả ba bên cùng ngồi lại, dựa trên thế mạnh của ĐHQG TPHCM, quy hoạch của từng địa phương và thế mạnh sản phẩm chiến lược của doanh nghiệp để cùng nhau bàn bạc, đưa ra những định hướng hợp tác thực chất.

Chủ động tìm "đầu bài" từ doanh nghiệp

PV: ĐHQG TPHCM đã có những hành động cụ thể nào để biến tầm nhìn đó thành hiện thực, để thực sự "đi tìm đầu bài" từ doanh nghiệp như bà chia sẻ?

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai: Để hiện thực hóa các hoạt động này, chúng tôi đã chủ động thành lập các đoàn khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp. Thành phần của đoàn không chỉ có lãnh đạo ĐHQG, lãnh đạo các trường đại học thành viên mà còn có cả các nhà khoa học trực tiếp tham gia.

Đơn cử như chuyến đi khảo sát tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ở Đồng Tháp – một doanh nghiệp hàng đầu về nuôi và xuất khẩu cá tra. Khi đến tận nơi, tham quan dây chuyền sản xuất, chúng tôi và doanh nghiệp đã cùng ngồi lại để định hướng ra các "đầu bài" rất cụ thể. Ví dụ, họ mong muốn ĐHQG TPHCM phối hợp nghiên cứu các thiết bị tự động hóa tích hợp AI để quy trình sản xuất của họ trở nên hiện đại và chính xác hơn; nghiên cứu vaccine cho cá; hoặc làm thế nào để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn từ những phụ phẩm trong quá trình chế biến.

Tương tự, chúng tôi cũng đã làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty PNJ, Coteccons... Mỗi doanh nghiệp đều có những bài toán riêng cần lời giải từ khoa học. Khi nhà khoa học trực tiếp đến nhà máy, nhìn thấy vấn đề, họ sẽ có được những ý tưởng nghiên cứu sát với thực tiễn nhất.

Song song đó, chúng tôi cũng phải nhìn lại chính mình, xem xét lại chiến lược, mục tiêu và sản phẩm chủ lực của mình là gì. Dựa trên những năng lực sẵn có, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo, chuyên đề cụ thể để xác định các sản phẩm chiến lược như: vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong y tế, sản phẩm từ các hợp chất thiên nhiên, hay giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu... Chúng tôi cũng đang xây dựng một Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, nơi sẽ đặt những phòng thí nghiệm nghiên cứu trọng điểm, công nghệ cao và là một "hub" để kết nối chặt chẽ hơn với doanh nghiệp.

Mục tiêu 5 năm: Có đội ngũ ‘nhà khoa học - doanh nhân’

PV: Để sự hợp tác “ba nhà” thực sự đi vào chiều sâu, theo bà, chúng ta cần những cơ chế đủ mạnh nào, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo?

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai: Thực ra, hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 66, Nghị quyết 68, và trước đó là Nghị quyết 57. Tôi nghĩ rằng khi các nghị quyết này được hiện thực hóa một cách đầy đủ, chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ được các vướng mắc và sự hợp tác “ba nhà” sẽ sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, riêng đối với lĩnh vực đào tạo, tôi nhận thấy chúng ta vẫn còn đào tạo theo mô hình truyền thống, có nghĩa là chủ yếu đào tạo về chuyên môn. Chúng ta chưa có nhiều những con người thực sự am hiểu và đam mê về lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần mạnh mẽ và mạnh dạn tổ chức một số chương trình đào tạo vừa tích hợp chuyên môn, vừa lồng ghép các hoạt động đổi mới sáng tạo. Trong những hoạt động đó, sinh viên đại học và sau đại học, nếu các bạn đam mê với câu chuyện đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thì các bạn sẽ được tham gia, cùng thực hiện nghiên cứu khoa học, học cách đăng ký các sáng chế, rồi phát triển sản phẩm và thương mại hóa. Quan trọng nhất là doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành trong quá trình này.

Nếu như ngay từ bây giờ chúng ta bắt đầu câu chuyện đào tạo này một cách bài bản, giống như các nước trên thế giới, tôi tin rằng sau 5 năm, chúng ta sẽ có một đội ngũ mà tôi gọi là "nhà khoa học - doanh nhân". Và như vậy thì hoạt động đổi mới sáng tạo và các hợp tác “ba nhà” mới có thể triển khai một cách hiệu quả hơn.

Trân trọng cảm ơn GS!

Theo GS Mai, mô hình hợp tác "ba nhà" gồm Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp là một "tam giác chiến lược". Mô hình này cũng rất trùng khớp với các nghị quyết trụ cột của Trung ương. Trong đó, Nhà nước là nơi kiến tạo chính sách, thể chế (theo tinh thần Nghị quyết 66). Nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ (theo định hướng Nghị quyết 57). Nhà doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, phối hợp nghiên cứu, cũng như thương mại hóa các sản phẩm từ đại học (theo tinh thần Nghị quyết 68).

Mô hình hợp tác "ba nhà", khi vận hành, phải dựa trên những nguyên tắc chung: cùng thiết kế, cùng triển khai và cùng chia sẻ các giá trị. Nếu chúng ta vận hành "tam giác chiến lược" này một cách hiệu quả, quốc gia sẽ có cơ hội "đi tắt đón đầu", mau chóng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn mình ra thế giới.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/thoat-thap-nga-nha-khoa-hoc-tim-dau-bai-tu-doanh-nghiep-post1553026.html