Thời buổi giá phân bón hóa học tăng hoài phát ngán, nông dân Đắk Lắk ủ rác gì mà ra phân hữu cơ vi sinh?

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp (vỏ cà phê, vỏ...) để tạo phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng được xem là hướng sản xuất bền vững được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk áp dụng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chiều, ở thôn Hòa Trung (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) có 1 ha cà phê và 1 sào ngô. Trước đây, sau khi thu hoạch, toàn bộ vỏ khô của hai loại cây trên được gia đình bà đốt đi, hoặc ủ trực tiếp vào gốc cà phê.

Qua tìm hiểu thấy mô hình ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, bà Chiều mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Lượng vỏ cà phê và thân cây ngô sau thu hoạch được bà Chiều trộn đều với phân chuồng, men vi sinh, vôi bột… rồi tưới đẫm nước, đậy kín bằng ni lông và bạt.

Sau 3 - 4 tháng ủ, kiểm tra thấy phế phẩm nông nghiệp chuyển màu nâu đen, tơi xốp, ấm vừa tay là phân đã hoai mục, có thể bón cho cây trồng.

“Với hơn 3 tấn phân hữu cơ tự ủ mỗi năm, gia đình tôi tiết kiệm đến 50% chi phí so với việc dùng phân bón hóa học. Phân hữu cơ giúp cải tạo đất rất tốt, nhờ vậy vườn cây xen canh của gia đình phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh”, bà Chiều phấn khởi nói.

Bà Nguyễn Thị Chiều ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra phân hữu cơ vi sinh đang ủ từ phế phẩm nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Chiều ở xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra phân hữu cơ vi sinh đang ủ từ phế phẩm nông nghiệp.

Tương tự, gần chục năm nay, năm nào gia đình chị Hoàng Thị Như Hạ ở tổ dân phố 4 (phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cũng tự ủ hơn 5 tấn phân hữu cơ từ nguồn phân nhím và vỏ cà phê của gia đình.

Lượng phân này đủ để chị bón 2 đợt cho gần 1 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Từ đó, giúp gia đình chị tiết kiệm được 15 - 20 triệu đồng chi phí đầu tư mua phân bón mỗi năm, đồng thời làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chị Hạ chia sẻ: “Nhờ bón phân hữu cơ, sản lượng cà phê của gia đình trung bình hằng năm luôn đạt trên 3 tấn, sản lượng sầu riêng đạt 2 tấn”.

Hay như mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Nông Văn Công ở thôn Cao Bằng (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) với 2 ha cà phê xen cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi.

Năm 2018 anh Công quyết định chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ bằng cách ngưng hẳn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học cho cây trồng. Thay vào đó anh Công tận dụng nguồn phân chuồng cùng phụ phẩm từ các loại cây trồng đem ủ hoai thành phân hữu cơ vi sinh để bón bổ sung cho cây.

Anh Công cho hay: “Phương pháp canh tác mới giúp vườn cây quanh năm xanh tốt, cho sản phẩm nông sản sạch bảo đảm chất lượng. Nhờ cách làm thuận tự nhiên này, 3 năm trở lại đây, chi phí đầu tư chăm sóc cho khu vườn “gần như bằng 0”, chỉ tốn khoản tiền mua cây, con giống”.

Anh Nông Văn Công ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) tận dụng phế phẩm từ vườn nhà để ủ phân hữu cơ vi sinh.

Anh Nông Văn Công ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) tận dụng phế phẩm từ vườn nhà để ủ phân hữu cơ vi sinh.

Ông Y Sỹ Buôn Yă, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh Đắk Lắk đánh giá, tận dụng phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp đang là giải pháp hiệu quả mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Với nền nông nghiệp đa dạng, hằng năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khối lượng phế phẩm thải ra rất lớn. Nếu tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp dồi dào này làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào...

Theo Thùy Linh (Báo Đắk Lắk)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202206/thoi-buoi-gia-phan-bon-hoa-hoc-tang-hoai-phat-ngan-nong-dan-dak-lak-u-rac-gi-ma-ra-phan-huu-co-vi-sinh-5780254/