Thời cổ đại không có vệ tinh định vị, vậy họ đã vẽ bản đồ như thế nào?
Dù không có khoa học công nghệ hiện đại nhưng ở thời cổ đại vẫn có bản đồ chi tiết và độ chính xác rất cao. Để làm được như vậy phải kể đến sự thông minh, cần cù đáng ngưỡng mộ của người xưa trong điều kiện cực kỳ khó khăn.
Vẽ bản đồ là một công việc vô cùng vất vả, phức tạp, không những cần phải thể hiện được các sông ngòi, kênh rạch, núi non mà còn phải đảm bảo độ chính xác của tấm bản đồ ấy. Bản đồ ngày nay đa phần đã được dựa vào những công cụ khoa học kỹ thuật tiên tiến như các vệ tinh nhân tạo nên có thể dễ dàng thực hiện được công việc này. Thế nên, nhiều người thắc mắc rằng, thời hiện đại thì dễ như vậy, vậy còn người cổ đại xưa kia thì sao? Liệu có đảm bảo được tính chính xác của tấm bản đồ đó không? Nếu người cổ đại dựa vào những tấm bản đồ đó để đi đường xa thì liệu có bị lạc đường hay không? Hơn nữa, diện tích lãnh thổ rộng như vậy, các vị vua thời cổ đại có lẽ cũng không thể bắt các thợ vẽ bản đồ đi ven biên giới để vẽ ra bản đồ được. Vậy rốt cuộc họ đã làm như thế nào?
"Sơn hải kinh" được coi là bách khoa toàn thư của thời Tiên Tần, trong đó có ghi chép rất nhiều địa điểm ở xa và các sông ngòi, núi đồi. Tuy nhiều người cho rằng "Sơn hải kinh" có mang nhiều yếu tố thần thoại và truyền thuyết nên không đáng tin, nhưng về mặt miêu tả địa lý thì vẫn có độ tin cậy cao. Hiện nay, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện ra tấm bản đồ xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc được vẽ trong thời Chiến Quốc.
Tấm bản đồ này được khai quật vào năm 1986 ở trong lăng mộ nhà Tần ở ven biển Thiên Mậu, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Tổng cộng có 7 tấm bản đồ, nhưng cả 7 tấm chủ yếu là sông ngòi, núi đồi của nước Tần. Trải qua quá trình chỉnh sửa của đời Tống và những triều đại sau này thì tấm bản đồ đã khá giống với bản đồ Trung Quốc hiện nay. Đặc biệt là khu vực sông Trường Giang, Hoàng Hà, hệ thống sông ngòi ở hai khu vực này đã rất giống với thời hiện đại. Điều này cho thấy, trí tuệ của người cổ đại khiến chúng ta phải kinh ngạc.
Đương nhiên, người cổ đại cũng có công cụ đo lường của riêng họ, ngày nay nhìn những công cụ đó cũng cảm thấy rất độc đáo, sáng tạo. Bản đồ của người cổ đại, có một kiểu gọi là “dư đồ”, có nghĩa là ngồi trên xe vẽ bản đồ, xe ở đây đương nhiên là xe ngựa. Quả thực, người cổ đại đã dùng một chiếc xe để vẽ bản đồ. Thiết bị này được gọi là “xe ký li cổ”, có nghĩa là xe ghi chép số dặm, hơn nữa trên xe còn có một cái trống. Khi xe chạy hết 1 dặm, hai hình người ở hai bên trống sẽ tự động đánh trống, người ghi chép sẽ biết được khoảng cách vừa đi. Thế nên, việc vẽ bản đồ và đo lường khoảng cách chỉ cần kéo một chiếc xe chạy khắp nơi là được. Tuy nhiên, sau khi đo đường xong, việc vẽ bản đồ vẫn còn một khâu quan trọng cuối cùng, đó chính là vẽ tỉ lệ của bản đồ so với thực tế. Bản đồ đương nhiên sẽ phải được thu nhỏ hơn so với thực tế, thế nên việc thu nhỏ tỉ lệ cũng là một vấn đề khó. Nhưng không sao, người cổ đại cũng có một thiết bị chuyên dụng để lập tỉ lệ, đó chính là ô li ghi chép dặm.
Để giảm bớt sự khác biệt, người cổ đại cũng vẫn dùng "trống ghi nhớ" và trên giấy đã được chia thành những ô ly nhỏ để chia tỉ lệ tương ứng. Từ đó, người cổ đại có thể vẽ ra được tấm bản đồ gần giống với hiện đại ngày nay, mang độ chính xác cao. Điều đáng nhắc đến là do người cổ đại tin vào giả thuyết rằng trời tròn, đất vuông, không ai biết rằng mình đang sống trên một "trái cầu" hình tròn, thế nên đã khiến họ thiếu mất kiến thức về kinh tuyến và vĩ tuyến. Vì thế, trên tấm bản đồ của người cổ đại, những phần sát với phần trung tâm thì vị trí địa lý ở đó càng được thể hiện chính xác, càng gần với phần viền bên ngoài thì độ sai lệch càng lớn. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải khâm phục trí tuệ của người cổ đại tuyệt đỉnh đến thế nào, bởi lẽ trong thời đó vẫn chưa có những công cụ khoa học kỹ thuật tiên tiến như ngày nay.