Thời cơ và thách thức được luận bàn tại tọa đàm về cảng xanh
Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, cảng xanh là xu hướng tất yếu nhằm giúp giảm chi phí nhiên liệu, tối ưu hóa quản trị điều hành, công nghệ sản xuất và dự trữ vật tư.
Ngày 4/12, tại TP. HCM, Báo Giao thông phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Tọa đàm: "Cảng xanh hướng đến phát triển bền vững, vươn ra biển lớn" với sự tham gia của các chuyên gia và doanh nghiệp cảng biển.
Trình bày tham luận tại tọa đàm, ông Phạm Hoài Trung, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Công ty TNHH Tư vấn Thực hành Phát triển bền vững Greengo cho biết, tiêu chí cảng xanh cho các cảng và doanh nghiệp là xu thế tất yếu để hội nhập, phát triển. Các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Úc… đã triển khai nhãn xanh, mua sắm xanh, tiêu dùng bền vững. Còn ở Việt Nam cũng đang hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và tính cam kết sẵn sàng, xác định bối cảnh và lập kế hoạch thực hành cụ thể. Việc thực hành cần bắt đầu từ những công việc cơ bản đầu tiên, bao gồm lập kế hoạch đào tạo các kiến thức và nhận thức về phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG (bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng và hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp).
Theo ông Trung, cần có người phụ trách và thành lập Ban Phát triển bền vững ESG với sự tham gia của các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp; phải thực nghiệm, kiểm tra, giám sát, khắc phục và cải tiến hệ thống quản lý việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng, nước, xử lý rác thải và tái chế trong các quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho rằng, chương trình "The Climate Pledge" (Cam kết thân thiện với khí hậu) do Amazon đồng sáng lập là một cam kết của các công ty hàng đầu thế giới ở nhiều ngành nghề nhằm đạt trạng thái không phát thải CO₂ (Net Zero) vào năm 2040. "The Climate Pledge" cam kết thúc đẩy đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ có phát thải carbon thấp. Mục tiêu của chương trình là đạt được tình trạng không phát thải carbon trước 10 năm so với Hiệp định Paris (vào năm 2040 thay vì năm 2050). Số lượng thành viên của chương trình tăng mạnh, hiện đã có nhiều công ty lớn từ khắp nơi trên thế giới tham gia, thể hiện cam kết xuyên ngành và khu vực, nhờ đó đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm phát thải. Các công ty tham gia đang giảm phát thải nhanh hơn so với các công ty không thuộc chương trình, đồng thời họ cũng thúc đẩy đầu tư vào các giải pháp carbon thấp.
Tác động toàn cầu là kết quả của nỗ lực chung từ các thành viên, được ước tính có thể tránh phát thải hơn 2,5 tỷ tấn CO₂ mỗi năm, tương đương khoảng 1/3 lượng carbon được hấp thụ mỗi năm bởi tất cả các cánh rừng trên toàn cầu. Các cảng Los Angeles, Long Beach, Thượng Hải cùng các hãng tàu lớn (CMA CGM, COSCO, Maersk và ONE) và các chủ hàng đã phát triển kế hoạch thực hiện hành lang vận tải xanh để giảm khí thải trên tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương.
Kế hoạch này bao gồm triển khai các tàu có khả năng giảm hoặc không phát thải carbon trong vòng đời vào năm 2025, đồng thời chứng minh tính khả thi của các tàu container không phát thải carbon trong vòng đời vào năm 2030. Các đối tác cũng tập trung vào việc giảm phát thải các chất ô nhiễm có hại, mở rộng việc sử dụng năng lượng từ bờ và phát triển cơ sở hạ tầng nhiên liệu biển sạch.
Theo đó, có 3 nhóm làm việc chính đã được triển khai, gồm: Nhóm Năng lượng là tập trung phát triển nguồn nhiên liệu phát thải carbon thấp hoặc không phát thải carbon trong vòng đời; nhóm Hãng tàu là lập kế hoạch triển khai các tàu giảm phát thải và nhóm Cảng là hỗ trợ cơ sở hạ tầng, bao gồm điện từ bờ và dịch vụ nhiên liệu sạch tại các cảng C40 Cities.
"Các nhóm này đã đặt ra lộ trình cụ thể như phát triển tiêu chuẩn cho nhiên liệu sạch và xác định nhu cầu nhiên liệu trên tuyến hành lang. Một minh chứng rõ ràng là biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các cảng Singapore, Los Angeles & Long Beach và 3 cảng tại Nhật Bản về việc phát triển hành lang vận tải xanh và kỹ thuật số", ông Kỳ nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cảng xanh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Bộ Quốc phòng) cho biết: "Tân Cảng bước vào chuyển đổi xanh với góc nhìn rất đời thường. Đó là nếu bạn muốn thay đổi thế giới thì hãy bắt đầu bằng việc dọn cái giường của mình vào mỗi buổi sáng thức dậy. Tuy đơn giản nhưng nó mang ý nghĩa hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày, tạo động lực để làm những việc khác và nhắc nhở rằng, nếu không làm được việc nhỏ thì chắc chắn sẽ không làm được việc lớn".
Theo ông Tuấn, chuyển đổi xanh tại Tân Cảng Sài Gòn được chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn đầu (năm 2009), tất cả các hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thực tế nhằm tiết kiệm chi phí. Tân Cảng đã chuyển đổi từ sử dụng dầu diesel sang sử dụng điện toàn bộ, giúp chi phí hàng năm giảm từ 200 tỷ đồng xuống còn 66 tỷ đồng. Đồng thời, chuyển đổi này cũng giúp tối ưu hóa quản trị điều hành, công nghệ sản xuất và dự trữ vật tư sửa chữa.
Giai đoạn 2 của chuyển đổi xanh là chuyển sang điện pin. "Chúng tôi đã đi nước ngoài để tìm hiểu, học hỏi công nghệ sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Việc sản xuất, lắp đặt các thiết bị làm chi phí tăng gấp đôi, gấp ba lần. Đây là rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp và cảng biển", ông Tuấn nêu.
Ông Tuấn nói thêm, mỗi ngày, Tân Cảng Cát Lái có 20.000 lượt xe (chưa kể phương tiện trong cảng). Định hướng của Chính phủ, từ nay đến năm 2030 sẽ khuyến khích từng phần, đến năm 2040 sẽ tạm dừng sản xuất, nhập khẩu và hạn chế tất cả liên quan đến dầu diesel và đến năm 2050 là chuyển đổi xanh toàn bộ.
"Đó là những mốc quan trọng. Các nước trên thế giới cũng đã ký tuyên bố chung về thiết lập hành lang vận chuyển xanh. Trước xu thế đó, Tân Cảng xác định nếu chúng ta dấn thân, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh thì tiềm năng rất lớn. Chúng ta phải tiếp tục hành trình chuyển đổi xanh bằng các thiết bị tự động, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường và phải thành lập các trung tâm tiếp nhiên liệu xanh ở Việt Nam", ông Tuấn nêu quan điểm và nhấn mạnh: "Đây là thời điểm vàng vì chúng ta có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Vì vậy, các doanh nghiệp cảng biển phải liên doanh, liên kết bằng mọi hình thức. Nếu chúng ta chậm chân, chờ đợi thì sẽ tụt hậu so với thế giới, làm tốn thêm chi phí và mất đi các hãng tàu trong khu vực và trên thế giới".
Từ đó, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng xanh, giúp vượt qua các rào cản về chi phí trong chuyển đổi năng lượng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu đã hiện hữu và nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình trạng này, các tổ chức quốc tế và các nước phát triển đã tập trung xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Với tư cách là thành viên, Việt Nam đã cam kết tham gia tích cực vào quá trình này.
Ông Giang cho biết, tại châu Âu, người dân đã phổ biến việc sử dụng xe điện, đồng thời hạn chế xe chạy bằng xăng. Trong ngành Hàng hải, nhiều đơn vị đã đóng tàu sử dụng nhiên liệu sạch, phù hợp với xu thế phát triển xanh. Ở Singapore, các cảng đã triển khai tàu chạy bằng điện. Hầu như toàn bộ ca-nô đã được chạy bằng điện để đưa du khách và cán bộ công vụ đi lại trong vùng cảng, thay thế nhiên liệu hóa thạch. Singapore cũng quyết tâm xây dựng trung tâm cung ứng nhiên liệu xanh và sạch cho tàu biển. Ngoài ra, nhiều quốc gia đã xây dựng nhà máy sản xuất hydrogen để cung cấp nhiên liệu cho tàu biển.
"Tôi thấy băn khoăn vì còn quá nhiều việc phải làm, trong khi chúng ta vẫn còn chậm trong tiến trình chuyển đổi này. Ta phải nhanh hơn, nếu không sẽ mất cơ hội phát triển, thậm chí bị thụt lùi vì không có tàu xanh nào muốn đến cảng không xanh", ông Giang bày tỏ.
Theo ông Giang, hệ thống cảng biển Việt Nam được chia thành 5 nhóm với 34 cảng, mỗi năm đều có mức tăng trưởng hai con số, đây là một mức tăng trưởng tốt và đáng chú ý. Nguồn đầu tư về cảng và hàng hải đang đổ dồn vào Việt Nam, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển lớn. Chúng ta có nhiều thuận lợi về dư địa đất đai, biển và bờ biển, nhưng cần chọn hướng phát triển nào để đảm bảo xanh, sạch.
Trong những năm qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất và phê duyệt nhiều nội dung liên quan đến phát triển cảng xanh. Xanh không chỉ là trồng thêm cây cho mát mẻ, mà còn bao gồm làm sạch nước thải, sử dụng quy trình điện tử để tối ưu hóa, sắp xếp container thông minh, tận dụng năng lượng mặt trời và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Ông Giang nhấn mạnh, việc chuyển đổi xanh tuy khó khăn nhưng có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như tối ưu thời gian xếp hàng và sắp xếp container trước khi chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ông Giang kêu gọi cần đầu tư vào các nhà máy sản xuất nhiên liệu sạch tại các cảng để thu hút thêm tàu xanh.
Về chính sách, ông Giang cho rằng cần thêm nhiều ưu đãi như giảm giá, miễn hoặc giảm thuế để hỗ trợ chuyển đổi xanh. "Các ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được ghi nhận để kiến nghị lên Bộ GTVT và Chính phủ nhằm xây dựng lộ trình xanh trong ngành Hàng hải. Khi xây dựng được tiêu chí xanh sẽ đưa ra được khung giá, từ đó tạo nguồn thu cho các cảng xanh", ông Giang khẳng định.