Thời cơ 'vàng' chuyển đổi năng lượng
Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, hiện là thời cơ 'vàng' cho những chuyển đổi cơ bản trong cơ cấu năng lượng. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng cũng như cơ hội phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Việt Nam đang có điều kiện rất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo vì có tiềm năng rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang mở rộng hội nhập và nhận được những tác động tích cực từ các xu hướng khách quan trên thế giới như tăng trưởng xanh, thay đổi mô hình tăng trưởng... Do quy tụ nhiều điểm thuận lợi nên đây là cơ hội “vàng” để chúng ta có những chuyển đổi cơ bản trong cơ cấu năng lượng, chuyển dịch sang phát triển năng lượng tái tạo. Đây là xu hướng phát triển rất tiến bộ nên chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội để ghi tên trên bản đồ năng lượng trên thế giới.
PV: Đâu là hướng đi cần thiết để chúng ta đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo, thưa ông?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030 đạt 20% (gấp đôi mục tiêu trong Quy hoạch điện VII). Đây là chủ trương đúng và rất kịp thời vì hiện nay chúng ta đang có nhiều điểm vướng về cơ chế chính sách để phát triển năng lượng tái tạo.
Bước cần làm ngay là phải thể hiện tư tưởng của Nghị quyết 55 vào Quy hoạch sơ đồ điện VIII sắp tới, cụ thể hóa để mở cửa mạnh hơn, tự do hóa mạnh hơn, huy động được khu vực tư nhân nhiều hơn, gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
PV: Theo ông, chúng ta cần phải có chính sách gì để hấp dẫn khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Theo tôi đây là vấn đề lớn, trong đó nổi lên vấn đề truyền tải điện. Thực tế đang xảy ra tình trạng điện sạch sản xuất ra nhưng đường truyền tải điện còn nhiều hạn chế, vì một bên phải dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển đường dây truyền tải điện, còn bên kia là khu vực tư nhân đầu tư để sản xuất điện. Hai khối này chưa có sự đồng bộ về tốc độ phát triển. Đây là điểm nghẽn chính và đòi hỏi cần có tư duy đột phá về cơ chế chính sách.
Cơ chế đột phá quan trọng nhất là mở cửa cho tư nhân tham gia phát triển mạng lưới truyền tải điện. Vì nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước hay một vài doanh nghiệp Nhà nước để phát triển đường dây truyền tải điện thì sẽ bị hạn chế về nguồn vốn, quy định đấu thầu, giải tỏa, đền bù..., làm giảm tiến độ đầu tư. Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu sớm để nhanh chóng tự do hóa trong phát triển đường dây truyền tải điện, dù chỉ một phần. Tuy nhiên, vì đường dây truyền tải điện thuộc về an ninh quốc gia nên phải tính toán cụ thể.
Theo tôi, nếu cơ chế chính sách thuận lợi thì nhà đầu tư tư nhân sẽ sẵn sàng đầu tư. Khi có sự đồng bộ giữa đầu tư từ ngân sách Nhà nước, sự tham gia của khu vực tư nhân cùng sự chia sẻ từ các bên khác thì khi đó mới có được sự phát triển bền vững đối với năng lượng tái tạo và thị trường năng lượng tái tạo.
PV: Điều đó có nghĩa, Nhà nước cần tạo ra cơ chế chính sách để tự do hóa, tạo thị trường năng lượng tái tạo cạnh tranh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thưa ông?
PGS.TS Bùi Quang Tuấn: Nếu có cơ chế thông thoáng thì sẽ có sự quan tâm lớn các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, sẽ huy động tất cả nguồn lực bên ngoài Nhà nước tham gia vào phát triển mạng lưới truyền tải điện. Điều này đòi hỏi có sự chung tay của nhiều chủ thể, nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ gia đình. Trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cũng cần nhiều thời gian để hoàn thành, phụ tải điện tiếp tục tăng nhanh, thì nguồn năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng về mặt bảo đảm cung cấp điện.
Những năm gần đây, cùng với cuộc CMCN 4.0 là xu hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, trong tương lai, nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm đa số và thay thế cho điện sử dụng năng lượng hóa thạch. Chính vì vậy, chiến lược tăng trưởng phải chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, Việt Nam cần cụ thể hóa nhiều chính sách, tạo tiền đề thu hút đầu tư, thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn ông
Nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, những tháng đầu năm 2020, phụ tải điện vẫn tăng trên 7%, thậm chí một số vùng tăng trên 11%. Dự kiến từ năm 2021 sẽ có nguy cơ thiếu điện. Tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể kéo dài đến năm 2025 nếu phụ tải tăng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ... Theo tính toán, mỗi dự án nhiệt điện than từ 1.000-1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm từ 7,2-7,5 tỉ kWh/năm.
Trong khi đó, nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thoi-co-vang-chuyen-doi-nang-luong-573682.html