Thời điểm phù hợp...
Chỉ sau hai phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận với phương án duy nhất là đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Như vậy, nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, mức lương tối thiểu vùng I được điều chỉnh lên 4,68 triệu đồng; vùng II lên 4,16 triệu đồng; vùng III lên 3,64 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Cần nhấn mạnh rằng, từ ngày 1.1.2020, tiền lương tối thiểu giữ nguyên với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II: 3,92 triệu; vùng III: 3,42 triệu và vùng IV: 3,07 triệu đồng.
Đây là thông tin được đón chờ của hàng chục triệu lao động. Bởi khảo sát thực hiện năm 2021 của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy, 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày. Có 22% lao động chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa. Có tới 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội...
Thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, các doanh nghiệp duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP dẫn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, nước ta đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, nhất là trong quý I vừa qua, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. Cho nên như ý kiến của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì thời điểm này, tăng lương vừa hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng là động lực để tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển.
Tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của họ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Cần nhắc lại rằng, tại hội nghị về tiền lương của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; xác định mức lương tối thiểu đủ sống và mức sống tối thiểu của người lao động để đề xuất phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2022 diễn ra mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu cũng đã phát biểu rằng, yêu cầu tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết vì hai năm qua, việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện.
Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp phải coi tăng lương là đầu tư, chia sẻ khó khăn với người lao động, chấp nhận ít lợi nhuận, không lợi nhuận, thậm chí có thể lỗ trong ngắn hạn vì người lao động... Vậy nên, cho dù đàm phán mức tăng lương tối thiểu vùng những năm trước đây thường khó tìm được tiếng nói chung giữa đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp bởi nhiều lý do - thì đến thời điểm này và trong bối cảnh hiện nay, tăng lương tối thiểu là phù hợp, xác đáng cả về lý và tình.
Như quan điểm của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh, bão giá. Và việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-diem-phu-hop-naugxg0hll-82082