Thời điểm tái đàn: Người chăn nuôi tiến thoái lưỡng nan

Sau 7-8 tháng phải 'phơi chuồng' do hậu quả nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, ở thời điểm hiện tại hầu hết các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục đầu tư tái đàn thì vừa gặp khó khăn về vốn, con giống vừa phải đối diện với nguy cơ dịch quay lại, dễ một lần nữa trắng tay. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có thể tái đàn nếu sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Người nông dân vẫn đang rất thận trọng trước việc có nên tái đàn hay không?

Người nông dân vẫn đang rất thận trọng trước việc có nên tái đàn hay không?

Tái đàn hay là không?

Bên khu chuồng lợn bỏ trống đã 6 tháng qua, ông Phạm Bá Cập (thôn Tử Tế, xã Thanh Tân, huyện, Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, hồi tháng 3 dịch tả lợn tràn vào, đàn lợn 24 con của gia đình ông phải tiêu hủy. Từ đó đến nay, thực hiện các quy định phòng chống dịch lây lan, gia đình ông cũng chỉ biết vệ sinh chuồng trại và chờ đợi đến khi chính quyền cho phép tái đàn. Gần đây khi chính quyền địa phương công bố hết dịch, sốt ruột vì phải chờ đợi đã lâu nên ông Cập muốn đầu tư chăn nuôi lợn trở lại thì gặp ngay vấn đề kinh phí. Nhà nông, sau đợt dịch tiền cũng đội nón ra đi.

Ngoài ra, theo ông Cập, dịch đã hoành hành một thời gian dài, hoạt động chăn nuôi, vận chuyển lợn gần như ngưng trệ nên giờ muốn mua được đàn lợn giống cũng khó, không biết mua ở đâu và mua được thì giống có an toàn hay không? Nhưng lo nhất là bỏ tiền đầu tư xong dịch lại tái phát.

Khó khăn và nỗi lo của ông Cập cũng là nỗi lo chung của hầu hết các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh Thái Bình hiện nay.

Trong khi đó, theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, sau một thời gian dài hoành hành dữ dội, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã có chiều hướng giảm dần tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có 192/282 xã, phường, thị trấn có hộ chăn nuôi lợn của tỉnh đã công bố hết dịch. Sở cũng cho biết, thời gian qua, qua công tác kiểm tra, trên địa bàn tỉnh có một số hộ chăn nuôi lợn có lợn bị tiêu hủy sau một thời gian để trống chuồng đã chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chưa được dập dứt điểm, việc tái đàn hiện tại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nhiễm dịch.

Hưng Yên là một trong 2 tỉnh ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc dịch tả lợn Châu Phi. Thời điểm xuất hiện dịch, lãnh đạo tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại hiện trường và yêu cầu các địa phương giáp ranh phải tăng cường công tác phòng, chống, kiểm tra thực tế, thực hiện ngay việc phun khử trùng, tiêu độc tuyến giáp ranh. Cho đến nay, tình hình dịch đã có chiều hướng giảm song tỉnh vẫn khuyến cáo các địa phương tiếp tục phòng chống, không được chủ quan trước dịch. Đặc biệt lãnh đạo địa phương này cũng khuyến cáo, sau khi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại, người chăn nuôi lợn không nên tái đàn vào thời điểm này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tại tỉnh Đồng Nai, vùng chăn nuôi lợn lớn nhất miền Đông Nam Bộ, giá lợn có xu hướng hồi phục và tăng cao từng ngày. Hiện nay, số lợn trong các trang trại tư nhân và nông hộ chỉ còn 150.000 con, con số này đã giảm hơn 2/3 so với khi chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù giá lợn tăng và dịch tả lợn châu Phi cũng đang có chiều hướng chững lại, là cơ hội để bà con nông dân tái đàn, song hầu hết bà con vẫn đang rất dè dặt. Nhiều hộ nông dân tại Đồng Nai cho biết, đợt bão dịch vừa qua đã “cướp trắng” hàng trăm triệu đồng, tiền chủ yếu vay ngân hàng nên giờ không biết lấy gì để trả lãi, và cũng không dám đi vay ngân hàng để phục hồi lại chuồng trại.

Địa phương vẫn rất thận trọng

Trước nỗi lo của người dân, Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong thời gian đang có dịch không để các hộ chăn nuôi lợn tái đàn, không phối giống cho đàn lợn nái đối với chăn nuôi nông hộ và trại đã xảy ra dịch; thực hiện để trống chuồng và khử trùng, tiêu độc đúng quy định kỹ thuật….

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn địa phương, việc tái đàn lợn chỉ thực hiện khi có chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phải tuân thủ các biện pháp tiêu độc, khử trùng, bảo đảm không tồn tại virút dịch tả lợn trong chuồng nuôi; lợn giống phải được nhập từ các nguồn an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và phải được lấy mẫu xét nghiệm virút.

Còn tại tỉnh Nam Định, theo bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, tổng ngân sách phải chi hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn ở tỉnh lên tới hơn 500 tỷ đồng. Đến thời điểm này, các hộ bị thiệt hại đã nhận được khoảng 50% mức hỗ trợ. Tuy nhiên, cho đến những ngày cuối tháng 9 này, dịch tả lợn vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

“Mấy ngày qua, ngày nào tỉnh cũng phải tiêu hủy 10-15 tấn lợn mắc dịch”, bà Nga thông tin. Trong bối cảnh đó, việc tái đàn chỉ nên thực hiện tại các cơ sở chăn nuôi trước đây không bị ảnh hưởng của dịch; có đầy đủ các biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn. Riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vốn không có đủ các biện pháp, cơ chế phòng chống dịch, nếu tái đàn trong thời điểm này nguy cơ bị mắc dịch trở lại sẽ rất cao, cần phải thận trọng, cân nhắc.

Chăn nuôi an toàn sinh học có thể yên tâm tái đàn

Dù vẫn chưa có chiều hướng chấm dứt hẳn nhưng dịch tả lợn châu Phi cũng không còn hoành hành khủng khiếp như thời gian đầu mới xuất hiện. Nguyên nhân là do nhà quản lý đã kịp thời vào cuộc đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, các trang trại lợn lớn sử dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn hầu như không bị tổn hại. Theo nhận định của Bộ NNPTNT, đây là thời điểm thích hợp để bà con nông dân có thể tái đàn, phục hồi sản xuất, tuy nhiên phải sử dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học, đảm bảo không để dịch tái phát.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, khi dịch đang lắng xuống, cần triển khai ngay lập tức chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Tiến cũng khẳng định, việc tái đàn lợn là hoàn toàn có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện giám sát chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học.

Trao đổi kỹ hơn về khả năng tái đàn lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đã có chiều hướng trùng xuống, TS Nguyễn Văn Nam - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam (BCC) bày tỏ, ông hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ sinh học đang được áp dụng tại các trang trại chăn nuôi hiện nay. Theo TS Nam, nếu áp dụng đúng quy trình, đồng bộ tất cả các khâu để đảm bảo các quá trình từ phòng chống đến trị bệnh một cách triệt để, kể cả vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường thì chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để tái đàn.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, người chăn nuôi đang lo lắng khá thái quá. Về nguyên tắc, 30 ngày sau khi hết dịch thì có thể tái đàn dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thời gian qua, tại một số địa phương, người chăn nuôi đã bắt đầu triển khai tái đàn lợn thịt dựa trên các đàn giống khỏe mạnh, cùng với đó là các biện pháp an toàn sinh học theo quy trình khép kín.

Minh Phương – Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/thoi-diem-tai-dan-nguoi-chan-nuoi-tien-thoai-luong-nan-tintuc448252