Thời dòng tiền khó toàn cầu, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang nhận 375 triệu USD
Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhận giải ngân 375 triệu USD trong bối cảnh toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Dòng vốn thế giới 'mất hút' trên nhiều kênh do khủng hoảng và nhiều tổ chức tài chính đang lao đao.
Sáng 30/3, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang công bố giải ngân thành công đợt đầu với giá trị 375 triệu USD. Đây là một phần của khoản vay hợp vốn trị giá 650 triệu USD được ký vào tháng 2/2023.
Phần còn lại, 275 triệu USD, Masan sẽ nhận vào cuối năm nay.
Masan nhận được nguồn vốn quốc tế trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Ngành ngân hàng của Mỹ và châu Âu lao đao với một số vụ phá sản và sáp nhập đã xảy ra. Cuộc khủng hoảng này được cho là còn kéo dài và nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ bước vào suy thoái “trong vài tháng nữa”.
Gói tín dụng được bảo lãnh phát hành, thu hút sự tham gia của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như: Ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng United Overseas.
Việc Masan nhận được vốn quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên toàn cầu như hiện nay là một tín hiệu tốt cho Masan và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng như triển vọng của nền kinh tế đang phát triển.
Khu vực châu Á được dự báo cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không lớn.
Theo Masan, khoản vay bằng USD có lãi suất cộng thêm 3,5% với lãi suất tham chiếu SOFR (lãi suất qua đêm có bảo đảm, một loại lãi suất chuẩn được thiết lập để thay thế cho lãi suất chuẩn LIBOR của Anh), tương đương lãi suất 8% mỗi năm.
Với thời hạn 5 năm, khoản vay hợp vốn năm 2023 sẽ giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn và củng cố thanh khoản.
Khi lãi suất giảm và thị trường vốn ổn định, ban điều hành Masan cho biết, sẽ tiếp tục tối ưu hóa bảng cân đối kế toán, giảm chi phí lãi vay và giảm nợ thông qua các bước thực thi chiến lược trong thời gian sắp tới.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức, khả năng tạo ra dòng tiền ổn định từ các mảng kinh doanh sản xuất và bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (như hàng nhu yếu phẩm, mì ăn liền, gia vị…) cùng với khả năng tiếp cận được nhiều thị trường vốn sẽ giúp Masan có cơ hội chiếm lĩnh thị phần, mở rộng đầu tư...
Trong thời gian qua, Masan cũng là một trong số ít doanh nghiệp huy động thành công trái phiếu với giá trị lớn hàng nghìn tỷ đồng. Trong tháng 2/2023, Masan đã chào bán thành công ra công chúng 2 lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng với tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm cho năm đầu.
Trong tháng 11/2022, Masan cũng công bố thông tin về việc huy động thành công lô trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng.