Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Việt Nam, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong số này đến khoảng 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.
Đột quỵ có thể phòng ngừa được và nếu có xảy ra cơn đột quỵ thì có thể cấp cứu trong thời gian vàng giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm. Nhưng đáng tiếc, hiện chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời, bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị bệnh lý nguy hiểm này.
PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam khuyến cáo, khi đột ngột thấy các dấu hiệu như nói khó, miệng hơi méo, nửa người yếu… thì cần nghĩ đến đột quỵ. Trong xử trí cấp cứu đột quỵ có phương châm “thời gian là não”, tức thời gian được cấp cứu càng ngắn (tốt nhất là dưới 3 giờ) thì não có cơ hội phục hồi càng nhiều. Vì thế, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ cần đặt bệnh nhân vào chỗ nằm an toàn, tìm cách chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế có năng lực gần nhất.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-gian-vang-trong-dieu-tri-dot-quy-522333.html