Thời hạn yêu cầu, thanh toán bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn là bao lâu?

Bạn đọc Đỗ Hữu Tuyển ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết thời hạn yêu cầu, thanh toán bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn là bao lâu?

Trả lời: Theo Điều 16 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thời hạn yêu cầu, thanh toán bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn được quy định như sau:

1. Thời hạn yêu cầu bồi thường là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm.

3. Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

4. Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ.

* Bạn đọc Nguyễn Minh Tấn ở phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể như sau:

1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây:

a) Thương lượng;

b) Hòa giải;

c) Trọng tài;

d) Tòa án.

2. Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp sau đây:

a) Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

c) Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

3. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thoi-han-yeu-cau-thanh-toan-boi-thuong-bao-hiem-khi-xay-ra-tai-nan-la-bao-lau-792863