Thời 'hồi sinh' phương pháp tự trồng rau 4000 năm tuổi

Ngoài việc ưu tiên tiêu thụ nông phẩm quanh vùng, tự đi hái rau quả ở trang trại, trong vài năm gần đây, người dân ở nhiều đô thị lớn của Pháp muốn tự trồng rau sạch tại nhà. Phương pháp thủy canh, được cho là xuất hiện từ nền văn minh Maya có từ hơn 2000 năm trước công nguyên, ngày càng được hoàn thiện và trở thành xu hướng chung vừa bảo vệ sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường.

Vài năm gần đây, người dân ở nhiều đô thị lớn châu Âu muốn tự trồng rau sạch tại nhà

Vài năm gần đây, người dân ở nhiều đô thị lớn châu Âu muốn tự trồng rau sạch tại nhà

Không cần đất, rau tự mọc từ môi trường dung dịch dinh dưỡng. Nguyên lý của kỹ thuật thủy canh hồi lưu là cung cấp đủ và đúng lúc cho cây trồng các nguyên tố khoáng cần thiết, đồng thời giúp tiết kiệm đến 80% lượng nước so với thổ canh. Đất chỉ cung cấp khoảng 5% chất dinh dưỡng cho cây và đóng vai trò như kho lưu trữ để cây dùng dần; 95% chất dinh dưỡng còn lại do cây tự sản xuất (quang hợp) và tự tiêu thụ.

Tiết kiệm đến 80% nước tưới

Giới thiệu phương pháp trồng rau sạch tôn trọng môi trường, anh Mikaël Gandecki, nhà đồng sáng lập MyFood, giải thích: “Các cây trồng ở đây được nuôi dưỡng nhờ chất nitrat, được chuyển hóa từ amoni có trong chất thải của cá và độc hại cho môi trường. Trong lĩnh vực thủy canh quy mô lớn, có thể nói công đoạn khó khăn nhất thường là việc xử lý chất thải của cá.

Phân cá lắng dưới bể, chất amoni có trong phân cá được chuyển thành nitrat nhờ vi khuẩn. Sau đó, nhờ chiếc máy bơm nhỏ được gắn vào hệ thống, dưỡng chất này được bơm lên cung cấp cho rễ cây. Trong chu trình khép kín này, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất rau theo chiều thẳng đứng”.

Ngoài thủy canh, người tiêu dùng còn có thể trồng rau bằng phương pháp “Aerospring” (tạm dịch: Khí canh). Phương pháp này không dùng đến hóa chất, mà dùng phân bón có nguồn gốc thực vật, như từ tro, cây tầm gai… trộn lẫn với nhau tạo thành dưỡng chất giúp cây mọc và phát triển.

Trong ngôi nhà mẫu bằng kính trồng rau bằng kỹ thuật thủy canh, các kỹ sư nông nghiệp cho biết dù chỉ là một căn hộ nhỏ, một chút ban công vươn ra ngoài, một khoảnh sân nhỏ trước nhà hay trên mái, những “nông dân” mới vào nghề đều có thể tìm được một mô hình phù hợp với điều kiện nơi ở, theo giới thiệu của anh Mikaël Gandecki:

“Chúng tôi có rất nhiều giải pháp. Với những người không có ban công, nóc nhà hay một mảnh vườn, chúng tôi có hệ thống trụ đứng trồng cây, mà chúng tôi vẫn gọi là “Vườn treo”, chiếm rất ít diện tích (chưa đầy 1m2), và có thể sản xuất rau trong nhà trong 36 chậu nhỏ khác nhau.

Chủ nhà có thể trồng được các loại rau tươi quanh năm nhờ một máy bơm nhỏ cung cấp dung dịch phân hữu cơ để nuôi rau. Trụ cây này rất lý thú vì tạo ra được không gian xanh và rất phù hợp trong nhà với những dây đèn LED.

Bên cạnh đó, chúng tôi có một kiểu nhà kính, phù hợp cho nhà ở đô thị, có diện tích khoảng 3,5m2, kết hợp phương pháp thủy canh theo chiều thẳng đứng với bể cá ở phía dưới, phần còn lại để trồng thêm các loại rau khác.

Sản phẩm quan trọng khác là nhà kính quy mô gia đình, có diện tích 22m2. Sản phẩm này sử dụng mọi công nghệ thủy canh và được kết nối để có thể theo dõi được từ xa dựa vào công nghệ nông học. Chủ nhà hoàn toàn có thể đi du lịch trong vài tuần trong khi nhà kính vẫn tự hoạt động”.

Kiểu nhà kính còn sử dụng năng lượng tái tạo. Theo yêu cầu của khách hàng, mái của nhà kính có thể được lắp tấm pin mặt trời để tự sản xuất điện cho máy bơm, hệ thống đèn chiếu và máy sưởi vào mùa đông. Ngoài ra, hệ thống đường máng được lắp xung quanh mái để hứng nước mưa và trữ trong một bình chứa được đặt ở ngoài nhà kính phục vụ tưới tiêu.

Vừa có rau sạch, vừa được thư giãn

Về khoản chi phí đầu tư ban đầu, tùy thuộc vào diện tích nhà vườn và những lựa chọn để tối ưu hóa quá trình trồng rau sạch, đồng thời phải kể đến chi phí thức ăn nuôi cá, phân bón thực vật và hạt giống.

Đổi lại, nhà nông thành thị không phải tốn nhiều công chăm sóc cây, không phải làm cỏ, trừ sâu, không cần diện tích lớn… Ngoài việc có rau sạch ăn quanh năm, trồng cây theo mô hình thủy canh còn được coi là thú tiêu khiển sau ngày làm việc mệt mỏi.

Bên trong một ngôi nhà mẫu trồng rau bằng phương pháp thủy canh

Bên trong một ngôi nhà mẫu trồng rau bằng phương pháp thủy canh

Dù không được xếp là rau sạch theo tiêu chuẩn Bio của Liên hiệp châu Âu, do chỉ áp dụng với rau trồng từ đất sạch và không dùng hóa chất, người tiêu dùng luôn an tâm về chất lượng rau tự trồng tại nhà, như giải thích của anh Mikaël Gandecki: “Lợi ích đầu tiên chính là sự minh bạch. Người tiêu dùng biết rõ sản phẩm của mình. Phương pháp này không dùng một chút chất trừ sâu nào, nói cách khác là hoàn toàn “sạch”. Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về điểm này.

Lợi ích thứ hai là có rau tươi. Các loại vitamin có trong rau được giữ ở mức tối đa, không chịu tác động từ phân hóa học lẫn trong đất. Từ nơi trồng đến nơi tiêu thụ, chỉ cách nhau vài mét, nên sẽ không tạo ra rác thải, không cần đến phương tiện vận chuyển và thời gian vận chuyển. Đây là những lợi ích khi sử dụng vườn rau kết nối.

Ngoài ra, người trồng rau không mất nhiều thời gian chăm sóc cây trồng, như phải bỏ nhiều thời gian để xới đất theo phương pháp truyền thống. Dĩ nhiên là có một số việc chăm sóc phải làm, nhưng chỉ mất vài giờ mỗi tuần mà thôi. Thêm vào đó, vườn kính còn là một không gian đẹp mà chủ vườn có thể thư giãn, đọc sách, ngắm công trình của mình cùng với gia đình”.

“Bất lợi” duy nhất, theo anh Mikaël Gandecki, là chủ vườn sẽ phải học thích ứng với “mùa nào thức nấy”, chế biến theo rau củ có sẵn trong vườn. Ví dụ mùa hè sẽ trồng bí ngòi, rau cải, rau chân vịt, ớt ngọt, cà tím… Đến mùa đông, chủ vườn chuyển sang trồng cần tây, tỏi tây, cà rốt, su hào, cải củ…

Với các mô hình trồng rau trên, mỗi năm người trồng rau có thể thu hoạch được khoảng 40, 100 và 400kg rau sạch, tùy theo hệ thống khí canh hay diện tích nhà vườn thủy canh. Anh Mikaël Gandecki giải thích: “Tham vọng của chúng tôi là giúp tối đa mọi người tự sản xuất được thực phẩm cho chính mình. Vì thế, chúng tôi đã có ý tưởng mang quy mô quốc tế, mang lại kiến thức nông học đến bất kỳ ai, giúp bất kỳ cá nhân nào, một gia đình nào có thể có được một vườn kính kết nối và trong vòng vài tháng có thể trồng được rau củ cho gia đình”.

Trồng cây theo kỹ thuật thủy canh ngày càng được nhân rộng trên khắp thế giới, từ Mỹ đến châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan… Sau hơn 4.000 năm, phương pháp thủy canh hồi sinh, với kỳ vọng là một trong số các giải pháp tương lai, bền vững và tôn trọng môi trường.

Vì lo lắng cho sức khỏe và muốn bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều người châu Âu quay lại truyền thống mua nông phẩm địa phương, chất lượng hơn, trực tiếp từ tay nhà sản xuất. “Mua tận gốc”, “Chu trình ngắn”, có lợi cho cả người bán và người mua.

Với nhà nông, bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng là cách “kiếm tiền thay vị trí hệ thống siêu thị”. Với người tiêu dùng, họ biết được xuất xứ của nông phẩm, giúp cải thiện đời sống của nông dân địa phương và góp phần làm giảm khí CO2 do các phương tiện chuyên chở đường dài thải ra.

Trước khi đi, khách hàng có thể tra trên website của mỗi trang trại danh sách nông phẩm có thể thu hoạch hôm đó. Trước cổng vào trang trại cũng thường có một tấm biển lớn, ghi tên những loại rau củ có thể thu hoạch trong ngày cùng với giá bán theo cân hoặc theo đơn vị. Mùa nào thức nấy, khách hàng có thể tự chọn, tự hái, ăn tại chỗ và mua đúng khối lượng cần thiết.

Một chuyên gia giải thích: “Khi mua hàng trực tiếp từ người nông dân, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn, có thể không phải về mặt tài chính, nhưng quan trọng hơn là họ mua đuợc sản phẩm có chất lượng, vừa được thu hoạch. Ví dụ với một cây xà lách, có thể họ sẽ trả bằng giá ở siêu thị, nhưng chất lượng, độ tươi ngon được bảo đảm nên xà lách có thể giữ được lâu hơn và như vậy sẽ bớt phí phạm vì vứt đồ hỏng. Đây là một trong những điểm được chú ý trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm”.

Cầm những chiếc khay nhỏ trong tay, đẩy một chiếc xe kút kít, khách hàng có thể đi dọc ngang những luống rau, luồn lách dưới những rặng lê táo trĩu quả, gập mình hái dưa chuột, cà tím, nhổ một cây xà lách, bới những củ khoai tây ẩn mình trong đất… “Chiến lợi phẩm” của họ rực rỡ màu sắc được chất đầy trên xe và được cân ngay lối ra.

Tại đây, khách hàng cũng có thể mua được sản phẩm từ những nông trang gần đó, như giải thích của một người bán: “Nhiều nhà nông tập trung lại với nhau hình thành một điểm bán ngay trong nông trại nên số lượng mặt hàng của họ đa dạng hơn và trao đổi trực tiếp với khách hàng. Ngoài ra, còn phải kể đến chợ và các điểm giao hàng (drive-fermier). Khách hàng đặt mua trên internet, sau đó đến lấy nông phẩm được chuẩn bị sẵn ở trang trại hoặc một điểm giao hàng gần các thành phố”.

Nguyễn Trâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/thoi-hoi-sinh-phuong-phap-tu-trong-rau-4000-nam-tuoi-462241.html