Thổi hồn cho chuỗi sen Thủ đô

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố Hà Nội đã xây dựng được nhiều chuỗi giá trị hàng hóa, trong đó, chuỗi giá trị từ sen được coi là bước đi đột phá giúp nhiều địa phương gặt hái được cả lợi ích về kinh tế, cảnh quan môi trường, từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, sen dường như chỉ tập trung ở Tây Hồ, Xuân Đỉnh (Hà Nội) nhưng những năm gần đây, các vùng ngoại thành của thành phố đã được tô thắm bởi vẻ đẹp của những cánh đồng sen. Các giống sen cũng đa dạng hơn như sen bách diệp, sen quan âm, sen nghìn cánh, sen cung đình trắng viền hồng, sen xanh, và nhiều giống sen lai khác...

Những mảnh đất nở hoa

Huyện Mê Linh vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Nếu như những giống hoa hồng, hoa cúc gắn bó với vùng đất này nhiều năm thì thời gian gần đây, diện tích hoa sen đã dần được mở rộng, phát triển theo quy mô lớn thay vì nhỏ lẻ, manh mún như trước.

Một trong những đơn vị sản xuất sen hàng đầu ở Mê Linh là HTX làng nghề sen Mê Linh (thôn Liễu trì, xã Mê Linh). Nói là hàng đầu bởi đây là mô hình trồng sen hàng hóa đầu tiên tại địa phương và quy mô sản xuất lớn nhất miền Bắc- 50ha, thu hút 500 hộ dân tham gia. Đến nay, mô hình trồng sen của HTX đã phát triển được 8 năm và tạo được tiếng vang trên thị trường nhờ các dịch vụ bán hoa sen, chế biến các sản phẩm từ sen như trà sen, hạt sen sấy, củ sen sấy, trà ướp sen và phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Đặc biệt, để tạo thuận lợi về đầu ra, HTX không chỉ liên kết với các cửa hàng, đơn vị phân phối ở trong và ngoài thành phố mà còn liên kết trực tiếp với các HTX như Tân Trà Thái (Thái Nguyên), HTX chè bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để làm dịch vụ trà sen. Dịch vụ này được tập trung vào mùa thu hoạch hoa (từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch). Ngoài ra, HTX làng nghề sen Mê Linh còn tự học hỏi, hình thành học quy trình ướp trà riêng. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường từ 1,5 - 2 tấn trà sen.

Không chỉ tiêu thụ sản phẩm của đơn vị mình, HTX Mê Linh còn liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sen cho người dân các xã Đại Thịnh, Tam Đồng, Chu Phan, Tiền Phong,Thanh Lâm. Mối liên kết này giúp HTX có nguồn hàng ổn định cung cấp cho khách hàng và người dân được ổn định đầu ra. Mô hình sản xuất của HTX Mê Linh được đánh giá là mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm, cao ít nhất gấp 5 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Người dân Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thu hoạch hoa sen.

Người dân Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thu hoạch hoa sen.

Còn tại HTX Dược liệu Mê Linh (huyện Sóc Sơn) những năm gần đây, HTX không chỉ tập trung vào trồng các loại hoa, dược liệu mà còn mở rộng sang phát triển sen, giúp đa dạng nguồn thu cũng như tận dụng những vùng đất trũng, khó trồng cây lương thực. Bà Ninh Thị Sen, Giám đốc HTX cho biết, trên hết việc mở rộng sang trồng sen giúp bà con có hướng đi mới, tiến tới xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, giúp HTX tạo cảnh quan, thu hút khách du lịch.

Không chỉ ở Mê Linh, Sóc Sơn, mà nhiều địa phương khác của Hà Nội cũng đang có hướng đi hiệu quả từ cây sen. Tiêu biểu như tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức), nhiều hộ dân cũng đã chuyển những vùng đất trũng sang trồng sen kết hợp làm du lịch trên diện tích 20ha.

Nếu như trước đây, du khách chỉ biết đến Mỹ Đức qua thắng cảnh Hương Sơn với lễ hội chùa Hương thì hiện nay, khi có thêm những đầm hoa sen, đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn thu hút du khách đến Hương Sơn nhiều hơn.

Còn tại xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) cũng đã thu hút được một doanh nghiệp về liên kết cùng người dân đầu tư trồng các giống sen lai giúp người dân nâng cao thu nhập nhờ ổn định đầu ra.

Tạo cảnh quan môi trường

Có thể thấy, Hà Nội đã phát triển được nhiều cánh đồng sen cho giá trị đa tầng từ kinh tế, môi trường, thúc đẩy đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bà Ninh Thị Sen, Giám đốc HTX Dược liệu Mê Linh cho biết, trồng sen không chịu nhiều tác động bất lợi của môi trường, lại không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nào trên đồng ruộng nên nông dân, thành viên HTX hồ hởi đón nhận. “Đối với chúng tôi, hiệu quả kinh tế quan trọng, nhưng quan trọng không kém là môi trường sinh thái của làng quê phải trong lành, sạch đẹp và cây sen đã làm được điều đó", bà Sen chia sẻ.

Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, các địa phương phát triển vùng sen hàng hóa không chỉ tạo dựng được nhiều tuyến đường hoa, đường cây xanh, làm đẹp quê hương mà những cánh đồng sen nở rộ từ tháng 6 đến tháng 9 cũng chính là điểm nhấn về môi trường sinh thái, về cảnh quan của của các địa phương.

Ông Lã Quang Khanh, Giám đốc HTX làng nghề sen Mê Linh, cho biết cây sen phát triển tốt còn giúp hạn chế bèo tây, cỏ dại phát triển, từ đó khắc phục tình trạng xác bèo tây, cỏ dại phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước, cải tạo môi trường. Nghề trồng sen phát triển còn giúp nhiều hộ gia đình có được nguồn thu từ việc thu hái hoa sen, ngó sen, củ sen bán cho người tiêu dùng. Tại HTX, ngoài 500 hộ dân trồng sen, HTX còn tạo việc làm cho 30 lao động nông thôn để làm các công việc thu hoạch, sơ chế, chế biến, vận chuyển các sản phẩm từ cây sen.

Hoa sen góp phần tạo cảnh quan cho các địa phương.

Hoa sen góp phần tạo cảnh quan cho các địa phương.

Cùng với đó, Hà Nội có nhiều diện tích đất trũng, nếu trồng lúa và một số cây rau màu thì hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Nhưng nếu chuyển đổi những diện tích này sang trồng sen thì vừa phù hợp với nhiều địa phương, mang lại hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường.

Tìm hướng đi bền vững

Với những hiệu quả mà các chuỗi sen mang lại, những năm gần đây, Hà Nội đã hỗ trợ người dân, HTX mở rộng diện tích, đầu tư những giống sen mới, đặc biệt là sen trái vụ để nâng cao chất lượng.

Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thí điểm trồng quan âm và bách diệp nhưng bằng giống mới lai tạo ở trong nước để đảm bảo thu hoạch trái vụ theo hình thức trái vụ. Mô hình được triển khai tại hai xã Đại Thịnh, Mê Linh với diện tích 10ha.

Theo các nhà chuyên môn, giống sen bách diệp có nguồn gốc từ Tây Hồ với ưu thế vượt trội về mùi hương, màu sắc. Còn giống sen quan âm được du nhập từ nước ngoài, có ưu điểm là sức bền tốt. Qua nghiên cứu, tìm tòi, lai tạo, ngành nông nghiệp thành phố đã cùng các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Rau quả tạo ra bộ giống sen mới chất lượng cao, có thể đáp ứng thời gian kéo dài vụ cũng như tăng năng suất, chất lượng.

Qua thực tế triển khai tại 2 xã Mê Linh và Đại Thịnh cho thấy, năng suất giống sen mới cao hơn 2 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với các giống sen khác, thời gian thu hoạch kéo dài tới tháng 10. Sen thu hoạch trái vụ giúp đầu ra thuận lợi hơn, giá bán cũng cao hơn.

Nếu giống sen trái vụ được mở rộng sẽ giảm áp lực cho thị trường chính vụ, đồng thời tăng thu nhập… Trồng sen trái vụ cũng là cách giúp các HTX đang làm dịch vụ du lịch sinh thái có thêm sự lựa chọn để kéo dài thời gian phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều vùng tại Hà Nội, đặc biệt là các huyện ngoại thành đang phát triển trồng sen gặp khó khăn vì địa phương quy hoạch nhiều dự án phát triển giao thông, đô thị. Điều này có thể ảnh hưởng đến định hướng nhân rộng cũng như phát triển nghề trồng sen của người dân, HTX, doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, Hà Nội xác định xây dựng các chuỗi giá trị sen vẫn là hướng phát triển kinh tế phù hợp với những diện tích đất nông nghiệp vùng trũng thấp. Các địa phương sẽ tiếp tục duy trì diện tích hiện có gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sen.

Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, như vùng trồng sen hiện có. Đồng thời hỗ trợ người dân, HTX đưa các sản phẩm từ sen vào đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thoi-hon-cho-chuoi-sen-thu-do-1094202.html