'Thổi hồn' cho thiết chế văn hóa mới
Đông Anh là huyện ngoại thành vốn thiếu những thiết chế văn hóa lớn, đời sống kinh tế chưa cao, khiến người dân khó tiếp cận các dịch vụ văn hóa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ xây dựng hệ thống nhà văn hóa ở cơ sở. Thông qua hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, chất lượng hưởng thụ cuộc sống của người dân được nâng lên một bước đáng kể.
Những ngày này nhà văn hóa thôn Vang, xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh luôn rộn ràng tiếng trống. Ai đi qua đây dễ nhầm tưởng là làng đang có hội có hè. Nhưng hỏi ra mới biết, đó là CLB Người cao tuổi thôn Vang hôm nay tập văn nghệ để chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc khánh mùng 2/9 sắp tới. Thấy trên tivi có những màn trống hội rất hay, mọi người cũng quyết định “tậu” một bộ trống về.
Các cụ ông, cụ bà, mỗi người một “vai”, luyện tập. Ðều ở lứa tuổi đầu bạc, răng long, nhưng mọi người đều hăng say tập luyện để có thêm món ăn tinh thần mới. Tháng 4/2018, Nhà văn hóa thôn Vang được khánh thành. Từ đó đến nay, hoạt động của nhà văn hóa góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của người dân địa phương. Bà con chung quanh cũng tìm đến nhà văn hóa nhiều hơn vì nơi đây luôn có những thú vui mới.
Bà Nguyễn Thị Doanh, người dân thôn Vang chia sẻ: “Thôn Vang trước đây cũng có nhà văn hóa quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi có đến hơn 600 hộ dân nên không đáp ứng được nhu cầu. Các hoạt động văn hóa vì thế cũng nhỏ lẻ, ít sôi nổi hơn. Khi chính quyền có chủ trương xây dựng nhà văn hóa mới, bà con rất phấn khởi; người ủng hộ thêm chút tiền, người ủng hộ ngày công để công trình nhanh chóng hoàn thành. Khi khánh thành, ai cũng trầm trồ khen ngợi nhà văn hóa có không gian thoáng rộng. Có nơi luyện tập, có không gian văn hóa nên nhiều CLB ra đời như: CLB: Tuồng; Lân, sư, rồng; Bóng chuyền hơi; Bóng chuyền da…
Không chỉ riêng thôn Vang, mà cứ chiều đến nhà văn hóa thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà lại rộn rã tiếng cười nói. Hai sân bóng chuyền hơi đều kín người chơi, chủ yếu là người trung, cao tuổi, nhưng cũng có một số người còn khá trẻ. Mặc dù trên địa bàn huyện Đông Anh chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19, nhưng mọi người đều đeo khẩu trang khi chơi bóng.
Bí thư Chi bộ thôn Hà Lỗ khoe với chúng tôi: “Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang từ năm 2013. Cả diện tích nhà văn hóa và khuôn viên rộng hơn 1.000 m2. Bên trong là nơi nhân dân tổ chức sinh hoạt cộng đồng, tập luyện, biểu diễn văn nghệ, còn bên ngoài là nơi tập dưỡng sinh, chơi bóng chuyền hơi. Đợt này đang có dịch bệnh, một số hoạt động, nhất là tập văn nghệ tạm dừng, nhưng các hoạt động thể thao vẫn được tổ chức. Ở thôn Hà Lỗ, các hoạt động sôi nổi quanh năm, bà con nhân dân trong thôn ai cũng phấn khởi và hồ hởi với công trình văn hóa khang trang và đầy tiện ích này.
Được biết, chỉ tính riêng năm 2018, huyện Ðông Anh xây mới 3 trung tâm văn hóa cấp xã, xây dựng, cải tạo gần 40 nhà văn hóa làng, tổ dân phố, chưa kể một số nhà văn hóa tiếp tục được đưa vào hoạt động trong năm 2019. Nhiều nhà văn hóa còn được bố trí máy tính có kết nối mạng, có thanh niên tình nguyện đến giúp đỡ người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng.
Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đến nay, huyện đã có 148 thôn, 24 tổ dân phố có nhà văn hóa đạt chuẩn với diện tích toàn khuôn viên là 1.500 m2. Đến năm 2021, tất cả số thôn, tổ dân phố sẽ xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn; chưa kể hệ thống thiết chế văn hóa của cấp xã. Nhiều địa bàn bố trí khu vui chơi của trẻ em ngay trong khuôn viên nhà văn hóa như: Xã Cổ Loa, xã Hải Bối… tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân được hưởng thụ văn hóa.
Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016-2020 đang bước vào giai đoạn cuối. Một trong những mục tiêu lớn của Chương trình chính là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân.
Những thiết chế văn hóa cấp thành phố như: Nhà văn hóa, nhà hát, thư viện, sân vận động… thường nằm ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, muốn vào các công trình dịch vụ văn hóa thì lại phải mất tiền. Ðiều này khiến không phải ai cũng có điều kiện hưởng thụ các hoạt động văn hóa, nhất là khu vực ngoại thành. Do đó, trong xây dựng đời sống văn hóa, thành phố đã kết hợp với triển khai xây dựng nông thôn mới, đầu tư một cách bài bản vào xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở khu vực ngoại thành.
Ðến hết tháng 6/2019, toàn TP Hà Nội đã có 2.342 trong tổng số 2.528 thôn, làng trên địa bàn có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 92,6%. Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động, thành phố cũng triển khai đề án “Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội” để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-hon-cho-thiet-che-van-hoa-moi-505911.html