Thổi hồn vào lũa

Những thân, gốc cây cổ thụ già cỗi sau khi đã chết bị chôn vùi hàng chục năm dưới đất, nước, qua bàn tay tạo hình, chế tác tài hoa của chàng trai trẻ Ngô Ngọc Hoàng trở thành nhiều tác phẩm gỗ lũa độc đáo mang vẻ đẹp nội sinh mãnh liệt. Để có được những tác phẩm ấy là hành trình săn tìm, quan sát, giao cảm để tìm ra vẻ đẹp ẩn giấu trên từng thớ gỗ lũa của người thanh niên này…

 Anh Ngô Ngọc Hoàng tạo hình bức tượng có tên là Đạt Ma dưới góc tùng

Anh Ngô Ngọc Hoàng tạo hình bức tượng có tên là Đạt Ma dưới góc tùng

Băng rừng tìm gỗ lũa

Đến thăm xưởng mộc mĩ nghệ của anh Ngô Ngọc Hoàng (20 tuổi) ở thôn Quyết Tâm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, thấy ngổn ngang những tác phẩm mà anh đang tạo hình, chế tác dở dang cũng như nhiều gốc lũa với hình thù kì quái còn bám đầy bụi đất. Anh Ngô Ngọc Hoàng nói với tôi rằng, cơ duyên khiến anh đến với nghề chế tác, tạo hình gỗ lũa là vào khoảng đầu năm 2017. Khi ấy, anh gặp anh Lê Bình ở thôn Quyết Tâm, xã Hướng Tân là thầy dạy nghề mộc mĩ nghệ của anh bây giờ và rồi mê luôn nghề chế tác, tạo hình gỗ lũa của thầy. Anh xin thầy được ở lại học nghề (nhà anh ở Khu phố 7, thị trấn Khe Sanh) và sau đó cùng thầy mở xưởng mộc mĩ nghệ. Sau một thời gian theo học thầy, đến nay thầy hầu như giao lại toàn bộ công việc chế tác, tạo hình các tác phẩm từ gỗ lũa tại xưởng mộc mĩ nghệ cho anh.

 Anh Ngô Ngọc Hoàng tìm ý tưởng để tạo hình, chế tác gỗ lũa

Anh Ngô Ngọc Hoàng tìm ý tưởng để tạo hình, chế tác gỗ lũa

Anh Ngô Ngọc Hoàng cho biết, gỗ lũa có nhiều loại: Lũa nằm sâu trong lòng đất với đặc tính giữ được màu tự nhiên (để khai thác rất khó bởi gỗ nằm sâu trong lòng đất nên khi khai thác nếu không cẩn thận chặt hết phần rễ chính là phần làm nên “hồn cốt” của tác phẩm); lũa nằm dưới bùn là loại lũa có màu nâu đen do ảnh hưởng của nước; lũa tạo thành bởi trời mưa, gió là loại lũa quý hiếm, bởi có độ bền chắc và có những đường vân sóng rất đẹp, phơi bày những lõi kì mộc quý giá... Để có được nguyên liệu làm nên những tác phẩm gỗ lũa độc đáo, ngoài việc mua lại của những người đi rừng, anh Hoàng cùng cánh thợ mộc mĩ nghệ ở xã Hướng Tân thỉnh thoảng lại băng rừng, lội suối vài ngày để tìm gỗ lũa. Đi tìm gỗ lũa giữa rừng xanh, núi thẳm không phải là chuyện đơn giản. Phải là gốc cây cổ thụ, loại cây quý, gỗ cứng hoặc có tinh dầu thì sau khi chết vài chục đến cả trăm năm, bị nắng mưa bào mòn, mối mọt đục khoét hết phần gỗ mềm bên ngoài chỉ còn phần lõi cứng nhất thì mới có hình thù đẹp. Thường thì gỗ lũa hay nằm ở những vạt nương bỏ hoang lâu năm, khe suối ẩm ướt. Hiện tại, những cánh rừng gần người ta tìm hết, nên cánh thợ mộc mĩ nghệ phải vào tận rừng sâu may ra mới có lũa đẹp mang về…

Cũng có lúc, cánh thợ mộc mĩ nghệ phải men theo dọc sông, suối ròng rã nhiều ngày để tìm gỗ lũa. Bởi gỗ lũa thường xuất hiện vào mùa mưa lũ, do nước từ thượng nguồn kéo theo những gốc cổ thụ chảy về các sông, suối. Vào thời điểm ấy, đường vào sông, suối rất khó khăn, nguy hiểm nhưng vì đam mê nghệ thuật nên cánh thợ mộc mĩ nghệ như anh Hoàng chẳng ngại gian khổ. Sau khi tìm được gỗ lũa ưng ý là đến công đoạn đào xới, vận chuyển ra gần khe suối để cho lên thuyền đưa về. Gỗ lũa từ rừng mang về còn dính đầy đất, mối mọt nên phải dùng nước xối sạch đi, cạo hết phần gỗ rác bám ở bên ngoài… nhưng phải đảm bảo nguyên hình dáng tự nhiên.

Sự kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa

Anh Ngô Ngọc Hoàng cho biết thêm, tìm được gỗ lũa đã khó, công đoạn chế tác, tạo hình cho gỗ lũa còn khó gấp nhiều lần, bởi khi tạo hình luôn phụ thuộc vào hình dáng ban đầu của gỗ lũa. Hình dáng của gỗ lũa là do thiên nhiên ban tặng, người thợ tạo hình, chế tác gỗ lũa không được can thiệp làm mất tính thẩm mĩ của tác phẩm. Cách tạo hình, chế tác tốt nhất là chỉnh sửa chút ít để tạo ra tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở tôn trọng hình dáng sẵn có. Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh, người thợ tạo hình, chế tác gỗ lũa phải nghiên cứu, học hỏi thêm kĩ năng quan sát, khẩu độ, trạng thái, hình thái, vị trí để mô phỏng, làm sao chuyển tải hết “thần thái” của tác phẩm. Chính vì vậy, vẻ đẹp tác phẩm gỗ lũa không phụ thuộc vào kích cỡ mà ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ đôi bàn tay tài hoa, khối óc tinh tế của người thợ tạo hình, chế tác. Trong tạo hình, chế tác gỗ lũa khó nhất là khắc họa gương mặt của bức tượng. Nhiều bức tượng như Diện Phật, Đạt Ma quá hải, Đạt Ma múa võ, Đạt Ma khất thực, Đạt Ma tọa thiền… phải tỉ mẩn đục đẽo vài ngày đến vài tuần mới hoàn thành. Bởi các chi tiết trên khuôn mặt bức tượng như râu, tóc, hốc mắt tiêu tốn rất nhiều thời gian. “Cứ ngồi tạo hình, chế tác tượng khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ là tôi phải đứng lên, đi ra xa ngắm nghía, tự mình xem đi, xem lại khuôn mặt, dáng dấp của bức tượng đã toát lên thần thái chưa. Rồi tiếp tục chỉnh sửa cho đến khi cảm thấy hài lòng mới thôi”. Ngoài việc tạo hình, chế tác các tác phẩm theo sở thích, người làm nghề tạo hình, chế tác gỗ lũa còn làm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Khách hàng thường tìm đến xưởng mộc mĩ nghệ của thầy trò anh đặt tạo hình, chế tác tượng Di Lặc gốc đào, Di Lặc kéo bao tiền, Di Lặc ngũ phúc, Tam đa, đại bàng tung cánh, rồng bay, tiểu cảnh gỗ lũa…. với nhiều kích cỡ khác nhau.

 Anh Ngô Ngọc Hoàng giới thiệu với khách về những giá trị của gỗ lũa

Anh Ngô Ngọc Hoàng giới thiệu với khách về những giá trị của gỗ lũa

“Từ khi học nghề rồi gắn bó với nghề tạo hình, chế tác gỗ lũa, tôi nhận ra nhiều điều. Chính gỗ lũa đã âm thầm gửi thông điệp đến với con người và giúp con người hiểu hơn về những triết lí nhân sinh từ tự nhiên. Và những thứ ngỡ đơn điệu, vô nghĩa nhưng nếu biết trân trọng, nâng niu đặt đúng vị trí thì sẽ phát huy nhiều công năng đôi khi vượt xa tầm suy nghĩ của mình”, anh Ngô Ngọc Hoàng chia sẻ.

Hoàng Tiến Sĩ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=144256