Thổi hồn vào tượng gỗ
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi về xã Xuân Phương (Xuân Trường) thăm các xưởng mộc của thợ nghề nơi đây. Dưới ánh nắng cuối thu vàng rực, những người thợ đang miệt mài, tỉ mỉ hoàn thiện từng chi tiết của bức tượng gỗ; tiếng đục chầm chậm, đều đều. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Cùng với nghề thêu tranh ở thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương còn có nghề đục tượng, điêu khắc gỗ truyền thống. Theo các cụ cao niên, nghề chạm khắc gỗ của xã có bề dày truyền thống trên 100 năm với các loại sản phẩm chủ yếu là: tượng, tòa thờ, kiệu thờ phục vụ sinh hoạt tôn giáo với nguyên liệu chính là các loại gỗ de, dổi, mít, pơ-mu, gỗ đỏ… Trong đó, những bức tượng thờ bằng gỗ của các thợ nghề ở đây vốn được thị trường đánh giá rất cao bởi độ tinh xảo, hài hòa, đẹp mắt, thể hiện được “thần thái” riêng của mỗi bức tượng.
Theo anh Hiệu, quy trình đục một bức tượng trải qua nhiều công đoạn. Bắt đầu từ những khối gỗ to, nhỏ, người nghệ nhân phải đo đạc, định hình sản phẩm, tính toán sao cho hợp lý. Để đục được một bức tượng, người thợ còn phải chế mẫu can hình, đóng nhận để định hình, xác nhận phần gỗ bỏ, đục, gọt nhẵn, nạo, tỉa tách và đánh bóng… Mỗi công đoạn này đều đòi hỏi thợ nghề phải có kỹ thuật, tay nghề điêu luyện, đôi mắt tinh và trí sáng tạo.
Nghề đục tượng do đó cũng lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, ý tưởng, bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao để “chế biến” gỗ. Để rồi, từ những miếng gỗ, khúc gỗ sần sùi, vô tri vô giác, qua bàn tay tài hoa của những thợ cả sẽ biến thành những bức tượng sinh động, có “khuôn mặt” riêng, thể hiện “đời sống” nội tâm của nguyên mẫu. Vì thế, đối với nghề đục tượng, tài hoa, khéo léo thôi chưa đủ, còn phải có vốn kiến thức để khắc họa rõ nét, chân thực và chính xác nhất bức tượng đang tạo tác.
Khó đục nhất là mặt tượng, trong đó đôi mắt tượng lại khó đục hơn cả, bởi quyết định “hồn cốt” riêng biệt của mỗi bức tượng, tượng này khác với tượng kia. Tuy nhiên, theo anh Hiệu, nghề đục không phải là quá khó: “Trẻ con học lớp 6, lớp 7 chịu khó học là đã có thể theo được nghề, “kiếm được cơm”. Nhưng, “nhất nghệ tinh”, muốn trở thành một thợ cứng thì phải học lâu dài. Bởi, rất nhiều chi tiết đòi hỏi người thợ phải dày công luyện tập tay nghề, có quá trình tích lũy kinh nghiệm dài lâu. Đặc biệt, khi đã ngồi vào đục tượng, không được sốt ruột chạy theo số lượng sản phẩm”, anh Hiệu chia sẻ thêm. Nghề khó, vì thế thợ chạm khắc, đục tượng trong xã cũng được phân ra nhiều “cấp độ” khác nhau. Đối với những thợ đục thông thường, họ thường làm các sản phẩm do các thợ nghề lâu năm đã làm “vỡ”. Nghĩa là, sản phẩm đã có hình khối, họ chỉ việc gọt, tỉa lại cho sạch sẽ, tròn trịa. Thu nhập của những thợ này do đó thấp hơn, ở mức bình quân từ 100-200 nghìn đồng/người/ngày. Những thợ đục lành nghề lâu năm có thể thu nhập tới 500 nghìn đồng/người/ngày.
Ngày nay, thợ đục ở Xuân Phương cũng như nhiều nơi khác đã có thể nhàn hơn trong quá trình làm nghề với sự hỗ trợ của máy đục. Cơ sở của anh Hiệu hiện cũng đã sắm các loại máy đục chuyên dụng như: máy cắt 3d, 4d… Tuy nhiên, cũng theo anh Hiệu, máy chỉ giải quyết được phần nào đó của quá trình đục. Còn lại những chi tiết khó vẫn phải đục bằng tay. Hơn nữa, đục bằng máy cũng có những nhược điểm như khó phun sơn, đánh véc-ni hoặc giấy ráp. Do đó, trong nghề đục, cơ bản vẫn phải sử dụng sức người là chính.
Với sự tài hoa, khéo léo, những bức tượng thờ ở Xuân Phương ngày nay có thị trường rất rộng lớn. Sản phẩm tượng thờ của những thợ nghề nơi đây đặc biệt được các tỉnh, thành phố phía Nam yêu thích. Mỗi tháng, xưởng mộc của anh Hiệu xuất bán từ 700-800 bức tượng với các kích cỡ khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Mỗi xưởng mộc, ít cũng tạo việc làm cho 3-4 lao động, xưởng của anh Hiệu hiện đang tạo việc làm cho 40 lao động.
Từ nghề xưa, đời sống của những thợ mộc, thợ điêu khắc ở Xuân Phương đã nâng lên đáng kể. Cũng từ nghề xưa, nhiều người biết đến sản phẩm làng nghề, những người thợ tài hoa của làng. Đó cũng là động lực để mỗi người thợ gìn giữ, nối tiếp và phát triển tình yêu nghề cho những thế hệ mai sau./.
Văn Huỳnh và Hoa Xuân
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5092/202211/thoi-hon-vao-tuong-go-2554183/