Thời khắc lịch sử thách thức sống còn: Nỗi lo túi tiền quốc gia
Thu ngân sách có dấu hiệu suy giảm do tác động của dịch Covid-19., do đó việc 'nuôi dưỡng' nguồn thu lúc này là điều không thể trì hoãn.
“Trong quá trình hoạt động, chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, chúng ta sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Cũng như các hãng hàng không khác, chúng ta đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn”.
Đó là những lời chia sẻ của Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành gửi cán bộ, nhân viên của đơn vị này trước tác động của cơn bão Covid-19.
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Dầu khí cũng nhấn mạnh rằng họ "đang ở trong thời khắc khó khăn nhất lịch sử vì dịch bệnh".
Nhiều doanh nghiệp cũng trong cảnh thoi thóp. Những đơn vị sức khỏe yếu sẽ không trụ lại được trước cơn khủng hoảng. Doanh nghiệp khỏe mạnh hơn doanh thu cũng bị giảm chóng mặt.
Theo số liệu cập nhất đến cuối tháng 3/2020, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý vốn nhà nước làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong 3 tháng đầu năm giảm hơn 27.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng hơn 270 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng hơn 26.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng hơn 32.800 tỷ đồng so với kế hoạch.
Một vài dẫn chứng kể trên cho thấy, khi doanh nghiệp “lâm bệnh” thì thu ngân sách cũng bị tác động gần như ngay lập tức.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, thu ngân sách nhà nước quý I/2020 lũy kế do cơ quan thuế quản lý ước đạt 339.035 tỷ đồng, bằng 27% so với dự toán pháp lệnh, bằng 110,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhìn chung, kết quả thu quý I/2020 cơ bản vẫn duy trì mức khá. Tuy nhiên, diễn biến thu qua các tháng có dấu hiệu giảm dần do tình hình dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là từ tháng 3, số thu ngân sách đã có ảnh hưởng rõ nét, một số nguồn thu lớn có tốc độ giảm nhanh.
Cụ thể, theo Tổng cục Thuế, Thuế giá trị gia tăng trong hai tháng đầu năm tăng 4,7%, đến tháng 3 giảm 4,5%, tính chung lũy kế 3 tháng tăng 2,5%.
Với Thuế tiêu thụ đặc biệt, quý IV/2019 tăng 9,5% thì hai tháng đầu năm 2020 giảm 8,6%, lũy kế 3 tháng giảm 4,6%.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, tháng 12/2019 tăng 15,6%, tháng 1 tăng 14,2%, 2 tháng đầu năm 2020 tăng 17,1% nhưng lũy kế 3 tháng chỉ còn tăng 14%...
Do vậy, thu ngân sách của năm 2020 sẽ vô cùng căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đặt ra.
Số thu của ngành Hải quan cũng tương tự. Tổng thu ngân sách nhà nước ba tháng đầu năm 2020 của ngành Hải quan ước đạt 77.000 tỷ đồng, chỉ bằng 22,78% dự toán, bằng 21,69% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2019 (84.336 tỷ đồng).
Ngoài số thu giảm, chi ngân sách năm 2020 đang phải gánh thêm một nhiệm vụ khác rất quan trọng, đó là trợ lực cho doanh nghiệp, người lao động, người dân trong dịch bệnh.
Nhiều chính sách đang được Chính phủ, các bộ ngành thảo luận để áp dụng thời gian tới. Đơn cử, Bộ Tài chính gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền lên đến 180 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 28.000-30.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, người lao động bị mất việc, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh,...
Nguồn tiền để thực thi các chính sách này sẽ phải cân đo đong đếm ở nhiều nơi, nhưng đây là các chính sách cần thiết để trợ lực cho nền kinh tế. Thậm chí, cần phải có những chính sách mạnh hơn, không chỉ là giãn hoãn, mà còn là giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân, giúp họ giảm bớt chi phí trong quá trình hoạt động.
Khi doanh nghiệp vượt qua được khó khăn và tồn tại được, thì nền kinh tế mới đứng vững. Khi doanh nghiệp sống được, thì mới có tiền để nộp ngân sách. Cho nên, việc “nuôi dưỡng” nguồn thu lúc này là điều không thể trì hoãn. Các chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng vượt qua giai đoạn “bàn thảo, lấy ý kiến” để được đưa vào áp dụng. Bởi chậm trễ từng ngày, nguy cơ doanh nghiệp rơi rụng càng lớn chừng đó.
Trong ba tháng đầu năm 2020, toàn quốc có 30.227 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1.732 doanh nghiệp (6,08%) so với cùng kỳ năm 2019; có 21.031 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, tăng 1.947 doanh nghiệp (10,2%); có 14.310 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 1.066 doanh nghiệp (8,05%); có 8.790 doanh nghiệp khôi phục kinh doanh, tăng 212 doanh nghiệp (2,47%).
Đến ngày 19/3, toàn quốc có 766.512 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 8.979 doanh nghiệp (1,19%) so với thời điểm cuối năm 2019.