Thời khắc quyết định để Việt Nam bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới

Việt Nam đang ở thời khắc quyết định để bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới. Nếu lựa chọn cải cách thể chế kinh tế một cách thông minh, hiệu quả, Việt Nam sẽ từng bước chuyển mình để đi vào con đường phát triển thịnh vượng.

Các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: Anh Minh

Các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: Anh Minh

Sáng 10/4, Đại học Kinh tế Quốc dân, phối hợp với Ban Chính sách chiến lược Trung ương và Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã tổ chức hội thảo quốc gia thường niên quy mô lớn về kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong kỷ nguyên mới”.

Cân bằng giữa quyền lực nhà nước và sự năng động của xã hội

Khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương - Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân đã điểm lại những kết quả nổi bật của năm 2024, một năm sôi động của kinh tế trong nước với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Tăng trưởng cao, nhiều tín hiệu phục hồi rõ rệt. Song, nền tảng còn chưa vững chắc khi năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế chưa tương xứng. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nội địa còn khó khăn.

Với nền tảng đó, mục tiêu tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là đầy thử thách. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.

Tăng trưởng 10% mới đạt được mục tiêu lớn

Việt Nam hiện nằm giữa quỹ đạo của các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Việc lựa chọn mô hình nào sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Lập mô hình quỹ đạo tăng trưởng, TS. Vũ Thành Tự Anh chỉ ra nếu đạt 6 - 7%, mức phù hợp với lịch sử và điều kiện của Việt Nam, thì chúng ta vẫn ở giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Chỉ khi đạt 10%, chúng ta mới vượt lên, song đó là khát vọng lớn và cần xem xét tính khả thi.

“Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn chuyển sang nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng đến trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Nhìn tổng thể, thể chế kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa cải cách, để thực sự trở thành bệ đỡ cho giai đoạn phát triển tiếp theo” - GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Nhấn mạnh ý nghĩa của cải cách thể chế với sự thịnh vượng của Việt Nam, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giảng viên cao cấp, trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam chỉ ra, con đường dẫn đến thịnh vượng là một hành lang hẹp, rất khó để bước vào nhưng cũng rất dễ trượt ra ngoài nếu không cẩn thận. Để bước vào hành lang này, một trong những điểm cốt lõi là cần có sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực của Nhà nước và sức sống, sự năng động của xã hội.

“Làm thế nào để Nhà nước có đủ quyền lực nhằm duy trì trật tự, cung ứng hàng hóa công và bảo vệ các lợi ích kinh tế cốt lõi của đất nước? Để tránh rơi vào chuyên chế, quyền lực của Nhà nước cần có sự kiểm soát và đối trọng từ xã hội” - TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Để làm được điều này, chuyên gia Fulbright cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân cần được phát triển, hệ thống xã hội cần có sự tham gia của người dân để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Chuyển hóa cơ cấu, xác lập mô hình tăng trưởng mới

Từ kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á và Đông Nam Á, TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh sự tăng cường năng lực nhà nước, vừa mở rộng sự tham gia của người dân. Đài Loan và Hàn Quốc được xem là phát triển vượt bậc, trong khi Thái Lan và Malaysia chỉ ở mức trung bình của ASEAN, chưa đạt tầm phát triển cao.

Để đạt được mục tiêu lớn vào năm 2045, TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất 3 trụ cột cốt lõi của thể chế.

Thứ nhất là thể chế minh bạch. Cần cân bằng giữa sức mạnh nhà nước và sức sống xã hội, tránh nhấn mạnh quá mức một bên.

Thứ hai là nhà nước kiến tạo, trong đó cần nhấn mạnh việc trọng dụng nhân tài. Việt Nam từng có truyền thống khoa bảng, chọn người xuất sắc nhất cho bộ máy nhà nước. Tinh giản biên chế hiện nay là cơ hội để khôi phục điều này.

Thứ ba là chuyển hóa cơ cấu kinh tế. Nhà nước kiến tạo là nền tảng để thực hiện cải cách cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng kết quả còn hạn chế vì thiếu nền tảng. Nếu xây dựng được nhà nước kiến tạo và thể chế minh bạch, chúng ta sẽ có năng lượng để chuyển hóa kinh tế. Chính sách của Việt Nam đúng.

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia, học giả cùng chung nhận định, đây là thời điểm quan trọng, mang tính cách mạng khi chúng ta đã có những chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển kinh tế.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, chưa có giai đoạn nào trong lịch sử mà những cải cách, đổi mới lại diễn ra đồng thời, đồng bộ như vậy. Điều này là sự khác biệt so với những lần cải cách trước đây, khi chúng ta chưa có tổng chỉ huy để thực hiện mọi việc một cách hệ thống. “Đây là một chỉ báo cho thấy chúng ta có cơ hội lớn để thành công” - ông Thắng nhận định.

Suốt 40 năm đổi mới, theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, chúng ta làm theo một cách, với một kết quả vừa phải. Nhưng chỉ trong vài tháng qua, những cải cách được tiến hành đồng bộ, hệ thống lại cả không gian phát triển của đất nước. Ông Thắng kỳ vọng quá trình này sẽ đưa tất cả vào một bước chuyển đổi lớn, để xác lập một mô hình phát triển kinh tế mới, với trọng tâm là nền sản xuất hiệu quả cao hơn, thị trường hơn, với động lực quan trọng nhất là kinh tế tư nhân, đòn bẩy là khoa học công nghệ, từ đó đưa đất nước phát triển như mục tiêu đã đề ra.

Cải cách thể chế phải đi trước một bước

Trình bày tóm tắt về Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024, GS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân đã chỉ ra một số hạn chế về thể chế kinh tế của Việt Nam đang cản trở đà tăng trưởng kinh tế.

Đó là, còn nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết liên quan đến việc đảm bảo quyền sở hữu, chất lượng của hệ thống pháp luật kinh tế, các rào cản gia nhập thị trường, sự bình đẳng của các thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh, khiếm khuyết pháp lý trong các văn bản pháp luật về rút lui khỏi thị trường.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật về bộ máy nhà nước còn những hạn chế như: chưa bảo đảm đầy đủ nguyên tắc pháp quyền mà trọng tâm là giới hạn, kiểm soát quyền lực của Nhà nước, nhằm phát huy dân chủ, hạn chế đến mức cao nhất có thể tình trạng lạm quyền, lộng quyền, góp phần quan trọng vào việc chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có mặt còn chưa thực sự hợp lý. Tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, pháp luật về phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước chưa đồng bộ; chất lượng giải trình của cơ quan nhà nước còn thấp.

Với mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cải cách thể chế kinh tế phải đi trước một bước. Thể chế kinh tế của Việt Nam cần phải được xây dựng sao cho mọi người dân và doanh nghiệp hứng khởi đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm năng của quốc gia và thời đại, để vươn ra bên ngoài; phân quyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức sao cho mọi người yên tâm dám quyết định, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đất nước.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thoi-khac-quyet-dinh-de-viet-nam-buoc-vao-quy-dao-tang-truong-moi-174331-174331.html