Thời kỳ khởi sắc mới

TS Ivan Nikolaievich Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), nhận định chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam cho thấy Nga rất quan tâm củng cố quan hệ hai nước.

Đánh giá về quan hệ Nga - Việt Nam, ông Timofeev nhấn mạnh: "Hai nước đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Là một trong những đối tác quan trọng của Nga trên trường quốc tế, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và thị trường rộng lớn. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế của hai bên". Theo ông Timofeev, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của hai nước. Ông cũng dự báo chuyến thăm sẽ tạo động lực cho lĩnh vực số hóa. Theo ông, Nga đã tích lũy được nền tảng công nghệ số tốt và sẵn sàng chia sẻ những thành tựu của mình. Ngoài ra, dầu khí vẫn là một trong những lĩnh vực hợp tác kinh tế hàng đầu giữa Việt Nam và Nga. 2024 còn là năm Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Do đó, ông Timofeev cho rằng có nhiều cơ hội thuận lợi để hai bên mở rộng hợp tác.

Trong khi đó, ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga, hai nước đang đứng trước một thời kỳ khởi sắc mới trong quan hệ. Đưa tin về chuyến thăm, hãng tin TASS của Nga đánh giá hợp tác giữa Moscow và Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ riêng năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 8% và sự tăng trưởng này tiếp tục trong năm nay. Hai nước đang hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, chế tạo máy, y tế, nông nghiệp… Các công ty Nga như Gazprom, Zarubezhneft, Novatek, Rosatom đang triển khai dự án tại Việt Nam. Nga cũng duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các tổ chức và hiệp hội quốc tế, trong đó nổi bật là Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra, hai nước đang phát triển hợp tác về văn hóa và nhân đạo.

TASS dẫn lời Điện Kremlin cho biết chuyến thăm của Tổng thống Putin nêu bật mối quan hệ lâu dài và phát triển giữa hai nước. Đánh giá về chuyến thăm, trang The Diplomat (Mỹ) nhận định sự kiện cho thấy Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại đa phương, tìm cách xây dựng quan hệ tốt đẹp với càng nhiều cường quốc càng tốt. Nhận định này tương đồng với bình luận của ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS - Yusof Ishak của Singapore, một trung tâm nghiên cứu về xu hướng chính trị - xã hội, an ninh, kinh tế và phát triển ở Đông Nam Á. "Nga là đối tác quan trọng với bề dày lịch sử trong quan hệ cũng như vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Việt Nam. Việt Nam đã chứng tỏ khả năng duy trì chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, đồng thời theo đuổi một chiến lược độc lập" - ông Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh.

Chính sách ngoại giao cân bằng của Việt Nam, theo Đài CNN (Mỹ), đã được thể hiện rõ nét ở chỗ Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia có thể đón tiếp thành công lãnh đạo của nhiều cường quốc. Năm ngoái, Việt Nam đã đón tiếp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm.

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-ky-khoi-sac-moi-196240620222728448.htm