Thói quen ăn uống âm thầm rút ngắn tuổi thọ: Rất nhiều người mắc mỗi ngày mà không hay biết

Chỉ với một thay đổi nhỏ – điều chỉnh lại tốc độ ăn uống, bạn có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tiêu hóa, cân nặng và phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Hãy bắt đầu ngay từ bữa cơm hôm nay: ăn chậm, nhai kỹ, sống khỏe hơn mỗi ngày.

Một hành động tưởng chừng vô hại như ăn nhanh lại có thể âm thầm tàn phá sức khỏe và rút ngắn tuổi thọ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tốc độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, cân nặng và nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính. Thế nhưng, không ít người trong chúng ta vẫn duy trì thói quen ăn uống “chớp nhoáng”, chỉ mất 5 phút cho một bữa ăn, mà không biết mình đang tự hại chính mình.

Ăn nhanh vs ăn chậm: Cái nào tốt hơn?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn chậm không chỉ là phép lịch sự trên bàn ăn mà còn là cách bảo vệ sức khỏe. Việc ăn quá nhanh khiến dạ dày bị quá tải, dễ gây đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày. Trong khi đó, ăn chậm, nhai kỹ giúp giảm gánh nặng tiêu hóa, tăng hiệu quả hấp thụ và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

Khi ăn nhanh, não bộ chưa kịp nhận ra cơ thể đã no. Thông thường, phải mất khoảng 20 phút sau khi ăn, tín hiệu no mới được truyền từ dạ dày đến não. Điều này lý giải vì sao nhiều người ăn xong vẫn cảm thấy "chưa đủ", dẫn tới tình trạng ăn quá mức, gây tăng cân và béo phì.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy: Nhai kỹ không chỉ giúp ăn ít hơn, mà còn tăng hiệu ứng sinh nhiệt – tức cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa thức ăn, từ đó giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn. Thậm chí, một người từng ăn cực nhanh (mỗi miếng chỉ nhai 4 lần, ăn xong trong 5 phút) đã giảm được 2,1kg chỉ sau 10 ngày điều chỉnh thói quen – kéo dài bữa ăn đến 30 phút và nhai mỗi miếng 28 lần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ăn nhanh có thể gây ra 3 hệ lụy nghiêm trọng

Không chỉ gây khó tiêu và tăng cân, ăn nhanh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe khác:

- Tăng nguy cơ mắc tiểu đường

Khi ăn quá nhanh, lượng đường trong máu tăng đột ngột, khiến tuyến tụy phải hoạt động quá tải để tiết insulin. Lâu dần, cơ thể dễ rơi vào trạng thái kháng insulin – tiền đề dẫn tới tiểu đường type 2. Một nghiên cứu quy mô lớn đã xác nhận: những người ăn nhanh có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn đáng kể so với người ăn chậm, kể cả khi đã điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác.

- Nguy cơ gan nhiễm mỡ

Tạp chí Nature công bố một nghiên cứu cho thấy: những người thường xuyên ăn xong trong chưa đến 5 phút có tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa cao hơn.

- Tăng nguy cơ ung thư thực quản

Khi ăn nhanh, thức ăn dễ cọ xát mạnh vào thành thực quản, gây viêm nhiễm kéo dài. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại, nguy cơ biến chứng thành ung thư thực quản sẽ tăng. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y tế Công cộng Trung Quốc cho biết: người ăn nhanh có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn gấp 2,5 lần so với người ăn chậm.

Làm sao để ăn chậm hơn?

Theo Hướng dẫn Dinh dưỡng cho người dân Trung Quốc, thời gian cho mỗi bữa ăn nên kéo dài:

Bữa sáng: 15–20 phút

Bữa trưa: 20–30 phút

Để duy trì tốc độ ăn hợp lý, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản sau:

Tập trung khi ăn: Không xem điện thoại hay tivi, giúp não bộ điều khiển tốt tốc độ ăn.

Giám sát việc nhai: Mỗi miếng nên nhai ít nhất 15–20 lần, hoặc tập thói quen đặt đũa xuống sau mỗi lần nhai.

Ăn từng miếng nhỏ: Không xúc đầy thìa, chia nhỏ phần ăn để dễ kiểm soát.

Dùng đồng hồ hẹn giờ: Đặt thời gian đếm ngược 20 phút để “nhắc nhở” bản thân ăn chậm lại.

Minh Khuê (theo Sohu)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/thoi-quen-an-uong-am-tham-rut-ngan-tuoi-tho-rat-nhieu-nguoi-mac-moi-ngay-ma-khong-hay-biet-19810.html