Thói quen mua sắm thay đổi tạo ra 'chiến trường' mới cho các nhà bán lẻ

Số liệu do Reuters tổng hợp cho thấy người tiêu dùng Pháp đang mua các sản phẩm gia dụng và vệ sinh cá nhân ít hơn trong bối cảnh giá các sản phẩm từ các thương hiệu lớn như P&G và Unilever tăng cao.

Sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng có thể tạo ra một "chiến trường" mới cho các nhà bán lẻ, chính trị gia và nhà sản xuất hàng tiêu dùng vốn đang đấu tranh về giá thực phẩm trong nhiều tháng qua.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Bordeaux, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Bordeaux, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Dữ liệu do NielsenIQ tổng hợp cho thấy tổng doanh số bán sữa tắm, băng vệ sinh, sản phẩm rửa chén, bột giặt và giấy vệ sinh đã giảm trong 12 tháng kết thúc vào ngày 17/9. Giá các mặt hàng thuộc mỗi danh mục này ở siêu thị đã tăng mạnh trong tháng này so với cùng kỳ năm 2022.

Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ giải quyết vấn đề lạm phát hàng tạp hóa trong cuộc họp ngân sách ngày 27/9 bằng luật thúc đẩy các cuộc đàm phán hàng năm giữa các nhà sản xuất thực phẩm và siêu thị. Chính phủ hy vọng việc giảm giá sau đó có thể có hiệu lực từ ngày 15/1 thay vì ngày 1/3 như thường lệ.

Các nhà sản xuất thực phẩm như Neslte và Pepsico đã chỉ trích các siêu thị và các chính trị gia vì không “hợp tác” trong đàm phán giá cả cũng như giảm kích cỡ đóng gói các sản phẩm.

Carrefour, nhà điều hành siêu thị lớn thứ hai của Pháp, tuần trước đã dán nhãn cảnh báo đối với các sản phẩm bị giảm kích cỡ mà giá không giảm. Các thương hiệu lớn như bột giặt Ariel và xà phòng Dove trong nhiều năm đã thống trị thị trường so với hàng hóa nhãn hiệu riêng của các nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, dữ liệu của NielsenIQ cho thấy khối lượng sản phẩm cá nhân nhãn hiệu riêng đang tăng lên trong khi sản phẩm của các thương hiệu lớn lại giảm. Chẳng hạn, doanh số sữa tắm giảm 6% về tổng thể và 10% đối với các thương hiệu lớn, nhưng lại tăng 14% đối với các sản phẩm nhãn hiệu riêng. Tương tự, doanh số bán bột giặt giảm khoảng 2% trên toàn danh mục và giảm 10% đối với các thương hiệu lớn, thì các thương hiệu nhãn hiệu riêng lại tăng 28%.

Mặc dù các cửa hàng tạp hóa và chính phủ lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trên các phương tiện truyền thông và tại các phiên điều trần với các nhà lập pháp, thì các công ty hàng tiêu dùng phần lớn giữ im lặng, để mặc các nhóm thương mại thay mặt họ lên tiếng. Unilever từ chối bình luận và P&G cũng không trả lời yêu cầu bình luận về câu chuyện này./.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thoi-quen-mua-sam-thay-doi-tao-ra-chien-truong-moi-cho-cac-nha-ban-le/307783.html