Thói quen xấu khi làm việc khiến người đàn ông bất ngờ gặp họa

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và gắp thành công chiếc đinh vít sắc nhọn nằm sâu trong phế quản của một bệnh nhân nam 61 tuổi.

Hình ảnh dị vật là chiếc đinh vít nằm sâu trong phế quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Hình ảnh dị vật là chiếc đinh vít nằm sâu trong phế quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân L.N.D (61 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng đau ngực, khó thở. Trước khi vào viện khoảng 2 tiếng, ông D đang làm việc và ngậm một chiếc đinh vít thì bất ngờ hắt hơi, khiến cho chiếc đinh vít lọt vào trong đường thở gây sặc. Sau đó, bệnh nhân ho khan, đau tức ngực nhiều, khó thở khi hít sâu nên đến viện để thăm khám.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp cắt lớp lồng ngực, kết quả cho thấy hình ảnh dị vật sắc nhọn ở vị trí phế quản đáy trái. Các bác sĩ chỉ định nội soi phế quản cấp cứu lấy dị vật.

Kíp bác sĩ tiến hành nội soi phế quản dưới gây mê và gắp thành công dị vật là chiếc đinh vít dài khoảng 1cm có đầu sắc nhọn. Sau khi gắp dị vật, bệnh nhân hết các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở. Tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện sau 1 ngày.

Theo các bác sĩ, dị vật đường thở là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt cũng như lao động, ở tất cả các lứa tuổi, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ và người cao tuổi. Một số trường hợp có thể gây dị vật đường thở thường gặp như: sặc cơm, thức ăn, các hạt trái cây, hạt nông sản, viên thuốc...

Dị vật khi xâm nhập vào đường thở tùy thuộc vào vị trí bị mắc kẹt mà triệu chứng biểu hiện khác nhau như: ho sặc sụa, đau tức ngực, khó thở tăng dần, thậm chí có thể bít đường thở gây suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Trường hợp của bệnh nhân D là dị vật đinh vít rất sắc nhọn, ho khạc nhiều gây tổn thương chảy máu khó cầm. Những dị vật lâu ngày trong đường thở có thể gây nhiều biến chứng như: viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, tràn mủ màng phổi do vỡ ổ áp xe, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, hoại tử tổ chức phổi... gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: người dân nên chú ý trong khi ăn uống, sinh hoạt, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già, tránh ăn ở tư thế nằm, khi đang nô đùa, nói chuyện. Nếu không may bị sặc dị vật vào đường thở, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thoi-quen-xau-khi-lam-viec-khien-nguoi-dan-ong-bat-ngo-gap-hoa-383532.html