Thôi thúc theo đuổi âm nhạc dân tộc

Là một trong những gương mặt được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trẻ nhất thời điểm năm 2019, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1982, hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) đã khẳng định tài năng ở hai bộ môn sáo trúc và kèn bầu. Truyền thống gia đình và sự đam mê đã thôi thúc anh theo đuổi âm nhạc dân tộc.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Anh say sưa biểu diễn sáo trúc.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Anh say sưa biểu diễn sáo trúc.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông nội anh từng là Đội trưởng nhạc của Đội tuồng làng Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nức tiếng một thời. Còn bố anh là Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Khánh, từng công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, người được biết đến với biệt danh “Khánh kèn”. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, tiếng kèn, tiếng sáo của ông và cha đã “ngấm” vào tâm hồn của cậu bé Ngọc Anh. Tình yêu và đam mê âm nhạc dân tộc tiếp tục được nuôi dưỡng anh khi đỗ và theo học tại Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), dưới sự giảng dạy trực tiếp của Nghệ sĩ ưu tú Triệu Tiến Vượng.

Nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, Nguyễn Ngọc Anh được thầy cô và bạn bè đánh giá cao. Anh đã tham gia biểu diễn quảng bá nghệ thuật truyền thống dân tộc ở nhiều nơi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Kể từ lần đầu tiên được lưu diễn ở nước ngoài năm 2004 trong đoàn sinh viên của Nhạc viện Hà Nội tham gia Tuần lễ giao lưu văn hóa giữa thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc (tại Bắc Kinh, Trung Quốc) đến nay, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã biểu diễn ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, góp phần quảng bá tiếng sáo, tiếng kèn dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Anh cũng thử sức và ghi dấu ấn ở nhiều cuộc thi âm nhạc. Anh đã giành được giải Nhất Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2008 với các tác phẩm “Luyện năm cung” (nhạc chèo), “Mùa xuân biên phòng” (Ngọc Phan), “Tiếng gọi mùa xuân” (Đinh Thìn); Huy chương vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 với tác phẩm “Mặt trời đỏ” (Huỳnh Tú); Huy chương vàng Liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh” với tác phẩm “Rừng gọi” (Huỳnh Tú)…

Là người luôn quan tâm và dõi theo từng bước đi của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Anh, Nghệ sĩ ưu tú Đức Liên (nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) nhận xét: “Ngọc Anh là nghệ sĩ thổi sáo rất tốt, tiếng sáo đẹp, có hồn, kỹ thuật vững vàng, trình độ bài bản. Là “con nhà nòi” nên anh tiếp thu âm nhạc dân tộc tinh tế. Hơn nữa, Ngọc Anh luôn chịu khó, say mê tìm tòi, sáng tạo để đưa tiếng sáo đến gần hơn với công chúng”. Còn nghệ sĩ Bùi Công Thơm (giảng viên sáo trúc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) kể, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh là người luôn tâm huyết với phong trào phát triển sáo, từng tham gia làm giám khảo cho nhiều cuộc thi sáo trực tuyến để thu hút và chọn lựa tài năng cho bộ môn này.

Là nghệ sĩ thuộc thế hệ 8X, Nguyễn Ngọc Anh cũng luôn cập nhật công nghệ để quảng bá tiếng sáo trúc của mình đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Anh đã lập kênh YouTube Ngọc Anh sáo trúc, thường xuyên đăng tải những bài sáo ngợi ca cách mạng, ngợi ca tình mẫu tử và quê hương, đất nước. Dù lượng người “đăng ký” kênh chưa nhiều nhưng anh tin rằng, với sự bền bỉ, quyết tâm của mình, người biết đến và yêu nghệ thuật sáo sẽ ngày càng nhiều hơn. Bởi thế, mỗi video đăng tải, anh đều chăm chút bằng kỹ thuật chuẩn mực, âm thanh chất lượng và hình ảnh sinh động. Như thế với anh là cách tôn trọng công chúng và cũng thể hiện sự tôn trọng âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Nguyễn Thảo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1022591/thoi-thuc-theo-duoi-am-nhac-dan-toc