Thời tiền rẻ tới, bất động sản như 'cá gặp nước'

Với việc lãi suất ngày càng giảm, nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền sang các kênh sinh lời cao hơn. Trong đó, bất động sản đang là một 'ứng cử viên' hàng đầu.

Dòng tiền đang tìm tới bất động sản

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% trong năm 2025, tương ứng với việc “bơm” khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất tại Công điện số 19/CĐ-TTg, ban hành ngày 24/2/2025.

Thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực trong năm 2025. Ảnh: Thanh Vũ

Thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực trong năm 2025. Ảnh: Thanh Vũ

Chỉ khoảng một tháng sau, đã có 24 ngân hàng thương mại trong nước thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, với mức giảm dao động từ 0,1 - 2%/năm. Đây là lần thay đổi lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, diễn ra đồng loạt ở cả tiền gửi tại quầy và trực tuyến.

Không chỉ vậy, từ cuối tháng 2/2025, nhiều nhà băng cũng đã tung ra các gói vay dành riêng cho người trẻ mua nhà. Tuy mức lãi suất về mặt lâu dài vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhưng đây cũng là một động thái cho thấy, dòng tiền đang được điều hướng để “chảy” vào lĩnh vực nào.

“Dòng tiền rẻ được bơm ra thị trường chắc chắn sẽ tìm đến các kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời tốt và có khả năng tích trữ tài sản lâu dài. Trong bối cảnh vàng đã tăng giá lên mức cao kỷ lục và biến động lớn, thì bất động sản và chứng khoán sẽ là những lựa chọn hàng đầu để dòng tiền trú ẩn”, các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định.

Việc thị trường địa ốc trở thành nơi hút vốn trong năm 2025 là điều đã được các chuyên gia dự báo từ trước. Từ góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, sức bật của thị trường đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố. Tiêu biểu là đà tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2025. Song hành với đó là việc lạm phát được kiểm soát và lãi suất duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, những đột phá về thể chế, sự hoàn thiện trong quy hoạch các cấp và việc đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy cho sự bứt phá của thị trường bất động sản. Đặc biệt, ông Lực nhấn mạnh rằng, những áp lực về tài chính của doanh nghiệp địa ốc đã dần được gỡ bỏ và nhiều công ty đã thành công trong việc tiếp cận vốn.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan, so với thời điểm cuối năm 2023, tâm lý người mua nhà và giới đầu tư hiện đã chuyển sang một sắc thái hoàn toàn khác. Thay vì chỉ tìm hiểu và thăm dò, nhiều người sẵn sàng xuống tiền để mua bất động sản. Thậm chí, nhu cầu tìm mua đang hướng tới những phân khúc có khả năng sinh lời cao như đất nền.

Đồng quan điểm, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, tình hình giao dịch nhà ở và đất nền trong năm 2025 có thể sẽ sôi động hơn so với năm 2024. Đồng thời, mức giá dự kiến sẽ tăng khoảng 8 - 10% so với năm trước.

“Lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở tại các ngân hàng thương mại hiện nay đang ở mức hợp lý. Gói tín dụng ưu đãi đối với nhà ở xã hội đã được điều chỉnh giảm 2 điểm phần trăm so với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình và có thể tiếp tục điều chỉnh giảm trong năm 2025. Đây sẽ là yếu tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, Viện Kinh tế xây dựng phân tích.

Hướng đi của doanh nghiệp và nhà đầu tư

Trước diễn biến mới của thị trường, VARS khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản nên tập trung vào các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội và căn hộ trung cấp sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Đây cũng chính là con đường mà ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch HĐQT Trần Anh Group lựa chọn để dẫn dắt doanh nghiệp. Vị lãnh đạo này cho biết, công ty đã bỏ số tiền lớn để mua quỹ đất nhưng việc phát triển dự án rất chậm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra lối thoát cho doanh nghiệp. Chúng tôi quyết định dành một số khu đất đang có, nộp hồ sơ phát triển dự án nhà ở xã hội. Với đề xuất này, chúng tôi ngay lập tức nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Long An”, ông Trần Đức Vinh chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng từng nhận định rằng, nếu tính toán làm nhà ở thương mại, mức lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được sẽ khoảng 20%. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi pháp lý sẽ tương đối lâu. Mặt khác, nếu chuyển đổi qua làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư chỉ lãi khoảng 10%, nhưng khâu pháp lý sẽ được đẩy nhanh, từ đó giúp doanh nghiệp sớm thu hồi vốn và xử lý các khoản nợ.

Ở chiều hướng khác, với các nhà đầu tư cá nhân, phía VARS cho rằng, quyết định xuống tiền cần được đưa ra một cách thận trọng, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính. Ngoài ra, người mua cần tránh chạy theo tâm lý đám đông, bị dẫn dụ bởi những sản phẩm bị thổi giá quá mức.

“Nhà đầu tư nên ưu tiên các khu vực có tiềm năng phát triển thực sự, hạ tầng hoàn thiện và nhu cầu ở thực cao để đảm bảo hiệu quả đầu tư dài hạn. Nhìn chung, thị trường bất động sản năm 2025 đang có nhiều cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội này, các bên tham gia thị trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt trong chiến lược để thích ứng với diễn biến mới”, VARS bình luận.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/thoi-tien-re-toi-bat-dong-san-nhu-ca-gap-nuoc-d259929.html