Thời tiết khắc nghiệt đẩy giá thực phẩm tăng vọt trên toàn cầu?

Nghiên cứu cho thấy, các hiện tượng khí hậu bất thường có liên quan trực tiếp đến sự tăng vọt trong ngắn hạn của giá thực phẩm thiết yếu, từ giá khoai tây ở Anh cho đến giá hành ở Ấn Độ và giá gạo ở Nhật Bản.

Giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu thường tăng một vài tháng sau khi diễn ra một hiện tượng thời tiết cực đoan tại một khu vực cụ thể. Ảnh: commodity-board.com

Giá cả của nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu thường tăng một vài tháng sau khi diễn ra một hiện tượng thời tiết cực đoan tại một khu vực cụ thể. Ảnh: commodity-board.com

Báo cáo nghiên cứu gần đây do Trung tâm Siêu máy tính Barcelona (BSC) ở Tây Nha Nha) dẫn đầu chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa hàng chục hiện tượng khí hậu cực đoan với việc giá thực phẩm tăng mạnh. Điều đó làm nổi bật tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của hệ thống thực phẩm trước các cú sốc môi trường.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng, nhiệt độ cao là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm sản lượng và thiếu hụt nguồn cung, thúc đẩy lạm phát giá thực phẩm nói chung trong dài hạn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, một số mặt hàng thực phẩm cụ thể cũng tăng giá mạnh hơn nhiều trong ngắn hạn do thời tiết khô hạn, dẫn đến lạm phát.

Giá dầu ô liu ở châu Âu đã tăng vọt 50% vào năm ngoái sau những đợt hạn hán kéo dài ở miền nam Tây Ban Nha trong năm 2022 và 2023.

Tại Ấn Độ, đợt nắng nóng vào tháng 5-2024 đã đẩy giá hành tím lên 89%, trong khi tại Hàn Quốc, giá bắp cải tăng vọt 70% sau đợt nắng nóng kỷ lục của mùa hè năm ngoái.

Tại Nhật Bản, giá gạo đã tăng 48% vào tháng 9-2024 sau đợt nắng nóng tháng Tám trên toàn khu vực Đông Á, khiến giá rau xanh ở Trung Quốc tăng 30%. Tại California (Mỹ), giá rau xanh tăng vọt 80% vào tháng 11-2022 sau đợt hạn hán.

Nhiều hiện tượng thời tiết dẫn đến những đợt tăng giá này “hoàn toàn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”, Maximilian Kotz, nhà nghiên cứu của BSC và tác giả chính của báo cáo nghiên cứu trên cho biết.

Giá thực phẩm thường tăng vọt vài tháng sau một sự kiện thời tiết cực đoan, một mô hình mà các nhà nghiên cứu cảnh báo có khả năng trở nên phổ biến hơn khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng

“Chúng tôi chứng kiến các sự kiện thời tiết cực đoan đang trở nên dữ dội và thường xuyên hơn so với 30-40 năm trước. Chúng tôi dự đoán điều này sẽ tiếp tục chừng nào lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng”, Kotz nói.

Kotz cảnh báo, nếu hệ thống thực phẩm toàn tiếp tục phản ứng theo cách cũ, giá thực phẩm sẽ biến động cực đoan hơn và khó lường hơn.

Nghiên cứu của BSC kết luận, đà tăng vọt của giá thực phẩm lan tỏa từ các khu vực riêng lẻ trên toàn cầu thông qua thương mại quốc tế. Ví dụ, giá chocolate tăng vọt ở Anh sau khi giá ca cao tăng gấp ba lần do hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt ở hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới Ghana và Bờ Biển Ngà.

Giáo sư Raj Patel ở Trường Quản lý Công cộng Lyndon B. Johnson thuộc Đại học Texas cho biết, tình trạng đầu cơ trên thị trường và chính sách quản lý kém thường làm trầm trọng thêm tác động của việc giá thực phẩm tăng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Patel lưu ý, khi thời tiết nóng bức ở Nga gây ra các vụ cháy rừng khiến giá lúa mì tăng vọt vào năm 2010, Moscow đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, đẩy giá lúa mì toàn cầu lên cao ngất ngưởng, Điều này góp phần dẫn đến các cuộc bạo loạn vì thiếu hụt bánh mì ở những nước nhập khẩu lúa mì như Mozambique.

Theo Anna Taylor, giám đốc Quỹ Lương thực có trụ sở tại Anh và là đồng tác giả báo cáo nghiên cứu nói trên, các nước như Anh, vốn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cú sốc khí hậu ở nước ngoài.

Nghiên cứu này cũng đặt ra những tách thức cho các ngân hàng trung ương vì giá thực phẩm đắt đỏ đe dọa nỗ lực kiểm soát lạm phát chung, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, nơi thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn hơn rổ hàng hóa giá tiêu dùng.

“Nhiệt độ cao bất thường này ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ lạm phát chung do thực phẩm tăng giá”, Kotz cho biết.

Tuần trước, Anh bất ngờ báo cáo lạm phát trong tháng Sáu tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng là 3,6%, một phần do giá thực phẩm tăng.

Nghiên cứu cũng nhận thấy, khi chi phí sinh hoạt tăng, các hộ gia đình nghèo có xu hướng ăn ít thực phẩm hơn, thường là thực phẩm bổ dưỡng. Anna Taylor cho biết, các hộ gia đình thụ nhập thấp thường hạn chế tiêu thụ trái cây và rau quả khi khi giá thực phẩm tăng.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thoi-tiet-khac-nghiet-day-gia-thuc-pham-tang-vot-tren-toan-cau/