Thời tiết làm khó làng nghề bánh tráng
Thời điểm này mọi năm, các làng nghề làm bánh tráng truyền thống ở Quảng Ngãi đã bước vào vụ làm bánh cao điểm để cung cấp cho thị trường Tết. Thế nhưng, với các đợt mưa lạnh kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến các làng nghề, nhất là việc phơi bánh.
Sản xuất "cầm chừng"
Thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh tráng truyền thống. Thế nhưng, những ngày cận Tết năm nay, không khí ở làng nghề khá yên ắng. Các đợt không khí lạnh tăng cường, cộng với mưa phùn thường xuyên nên tráng bánh vụ Tết cũng chẳng khác ngày thường, dù hiện nay đang mùa cao điểm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên, 43 tuổi có 15 năm gắn bó với nghề truyền thống này. Hằng tháng, sau khi trừ chi phí, trung bình bà cũng kiếm được 9 triệu đồng. Cách đây một tháng, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, dụng cụ, chất đốt để vào mùa sản xuất bánh Tết, cung cấp cho thị trường. Thế nhưng, với tình hình này, bà dự báo năm nay các hộ dân ở làng nghề sẽ đón một cái Tết khó khăn khi thời tiết không ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Liên vất vả phơi bánh.
"Thời điểm này mọi năm, công suất làm bánh đã tăng gấp 2-3 lần, ngày làm ít nhất cũng 30- 40 ký gạo. Còn nay dù đã cận Tết nhưng làm chỉ có 20 ký mỗi ngày. Ăn thua tháng này, thế nhưng bà con không ai dám tráng nhiều vì lo sợ trời mưa, không phơi được bánh, đành làm cầm chừng", bà Liên than thở.
Bánh tráng truyền thống ở Tịnh Hà được người dân tráng từ bột gạo thơm ngon với kinh nghiệm lâu đời. Họ hạn chế làm bánh với máy móc hiện đại, từ tráng bánh cho đến sấy bánh, nướng bánh đều theo phương pháp thủ công truyền thống để giữ nguyên hương vị đặc trưng của làng nghề.
Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều lò sấy bánh hoạt động liên tục xuyên ngày đêm.
Dạo quanh làng nghề, thời tiết mưa gió không thể phơi bánh bằng nắng. Nhiều người đã chuyển qua sấy bánh trong lò để cứu vãn tình thế khi nhu cầu của thị trường đã tăng cao. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp ứng phó tạm thời vì sấy bánh hạn chế về số lượng, tốn kém chi phí nhiên liệu than, củi, trấu và chất lượng bánh không ngon bằng bánh phơi nắng tự nhiên.
Tráng bánh cầm chừng nên nhiều hộ không thể thuê nhân công phụ giúp, làm cặm cụi làm từ sáng sớm đến tận chiều hôm. Đang tráng bánh bên này, thợ phải đảo mắt ở hướng bên lò sấy để trở bánh vì nếu sấy không khô bánh sẽ ẩm. Sấy khô quá khi nướng dễ dòn, vỡ. Không để ý thường xuyên, quá lửa bánh dễ bị cháy. Còn trời nắng đẹp, tráng tới đâu, bánh sấy tới đó rất thuận tiện.
"Trời nắng, một vỉ bánh tráng, phơi chừng 15 phút đã khô hẳn, còn mùa mưa phải sấy, canh chừng trong thời gian dài. 10kg bột lẽ ra chỉ cần làm trong 2-3 giờ là hoàn thành, thế nhưng bà con phải làm từ 6h sáng đến 10h trưa mới xong chừng ấy bột. Những ngày này, nhiều hộ làm nhiều còn tráng, sấy xuyên suốt từ gà gáy tới khuya rất vất vả. Tiếc nhất là khách hàng liên tục gọi điện, đến tận nơi hỏi mua nhưng không có bánh cung cấp, phải chia ra mỗi nơi, mỗi ít", vừa trở xong mẻ bánh, chị Phạm Thị Oanh, cho biết.
Giá nguyên liệu làm bánh tăng cao
Rời làng bánh tráng ở Tịnh Hà, chúng tôi đến làng bánh tráng mỏng truyền thống ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành). Không khí cũng yên ắng và ảm đạm hơn mọi năm, chẳng khác làng bánh ở Tịnh Hà. Ai cũng vừa làm, vừa trông trời.
Hộ gia đình bà Lương Thị Hồng Anh, 59 tuổi đã bén duyên với nghề từ những năm 2002. Bánh tráng mỏng là loại bánh dùng để gói ram, cuốn rau... Ở làng nghề này, gia đình bà là một trong 2 hộ ứng dụng máy móc vào trong sản xuất bánh tráng mỏng với qui mô lớn. Trải qua nhiều thăng trầm với gần 20 năm gắn bó cùng nghề, theo bà đây là một năm thật sự khó khăn. Những đợt dịch bệnh liên tiếp khiến thị trường tiêu thụ gặp khó. Sau đó là những trận mưa bão, việc sản xuất bánh tráng càng khó khăn hơn.
Người dân làm bánh tráng mỏng ở Hiệp Phổ Trung cũng sản xuất "cầm chừng", lo sợ bánh hỏng nếu không sấy kịp.
Những tưởng vào vụ cuối năm sẽ gỡ gạc, khắc phục phần nào ảnh hưởng về kinh tế cho gia đình và khoảng 8 nhân công. Thế nhưng, thời tiết càng khiến bà mất hi vọng khi cứ vừa mang bánh ra hóng gió bức, lại phải vội vàng mang vào khi mưa phùn đổ xuống không ngớt.
"Bình thường làm một ngày 2 tạ gạo. Cứ đến cận Tết thì công suất có thể tăng gấp đôi. Năm nay, làm bán Tết không chênh lệch ngày thường là mấy, chỉ thêm có nữa tạ gạo. Trong khi đó, chi phí làm bánh dội lên nhiều, nhất là chi phí cho nguyên liệu. Một tạ gạo bình thường chỉ có 850 nghìn đồng thì nay đã lên gần 1,3 triệu đồng. Lợi nhuận không nhiều, cũng chỉ đủ tiền cho nhân công và kiếm ngày công cho gia đình, giữ mối làm ăn", bà Anh cho biết.
Giá nguyên liệu tăng cao, lợi nhuận sản xuất bánh tráng không nhiều.
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Trung Trần Văn Thiện cho biết: Làng nghề bánh tráng mỏng ở xã Hành Trung hiện có khoảng 144 hộ theo nghề, đại đa số người dân vẫn còn làm thủ công. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển làng nghề. Nghề làm bánh bây giờ thong thả hơn do nguyên liệu đầu vào dồi dào, còn với nhiên liệu thì khách hàng cung cấp đến tận nơi. Đầu ra ổn định, đắt đỏ vào tháng Chạp.
"Thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, người dân làm bánh tráng rất trông chờ thời tiết những ngày còn lại để làm ăn hiệu quả, có điều kiện vui xuân, đón Tết đủ đầy, sung túc hơn...", ông Thiện nói.