Thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài đến khi nào?

Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Theo TTXVN, ngày 29/5, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bắt đầu từ ngày 29/5, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ, ngày 30/5, nắng nóng mở rộng ra Trung Bộ.

Đợt nắng nóng này có thể kéo dài tới ngày 1-2/6 ở Bắc Bộ và ngày 2-3/6 ở Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bêtông, đường nhựa.

Cụ thể, ngày 30/5, phía Đông Bắc Bộ, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào, dông vài nơi.

Ngày 31/5, Bắc Bộ có nắng nóng diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Từ đêm 1-7/6 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ ngày 30/5 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Từ ngày 31/5-2/6, nắng nóng và nắng nóng gay gắt; từ ngày 3-7/6, chiều và tối có mưa rào, dông rải rác.

Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 30/5-7/6, có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và xảy ra cháy rừng.

Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Để phòng ngừa say nắng, sốc nhiệt, bác sỹ chuyên khoa 1 Huỳnh Văn Mười Một, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi chỉ số nhiệt lên cao, tốt nhất người dân nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ.

Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, người dân lưu ý bổ sung các loại nước trái cây giúp giảm nhiệt độ cơ thể, mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, sáng màu và đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên.

Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Trong khi tập thể dục, cứ sau 20 phút, nên uống thêm 250ml nước ngay cả khi không cảm thấy khát, tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn.

Người dân không nên uống viên muối khi chưa có chỉ định của bác sỹ; hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng; tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

Đề phòng bệnh ngoài da do nắng nóng

Theo chuyên gia y tế, bệnh da phát triển vào mùa hè gồm viêm da do tiếp xúc, do dị ứng cơ địa, chốc, lở. Trong đó, chốc là bệnh nhiễm trùng da do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn, rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Nhiệt độ, độ ẩm cao, vệ sinh kém... là các yếu tố thuận lợi cho chốc phát triển. Viêm da do tiếp xúc xuất hiện bởi những tác nhân như hóa chất, nhẫn, vòng đeo cổ, đồng hồ, giày da, găng cao su... Còn viêm da do phấn côn trùng, xảy ra khi da tiếp xúc với phấn của bướm, thiêu thân...

Chứng sẩn ngứa được phân thành nhiều thể. Sẩn ngứa ở trẻ em có biểu hiện đầu tiên là sần phù nhỏ; bệnh tiến triển thành nhiều đợt mà căn nguyên có thể giống với viêm da cơ địa. Sẩn ngứa cấp tính ở người lớn có biểu hiện là các sẩn nhỏ, màu sắc giống màu da bình thường, trên có mụn nước nhỏ dễ vỡ; bệnh có thể tăng mạnh vào các đợt nắng nóng, thời tiết oi bức.

Khi có các dấu hiệu của bệnh da, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ. Tùy theo từng loại bệnh, bác sĩ sẽ có đơn điều trị phù hợp. Không nên tự nặn các mụn mủ, cố gắng hạn chế gãi trầy các nốt mụn.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-tiet-nang-nong-tiep-tuc-keo-dai-den-khi-nao-5719116.html