Thời tiết ngày càng cực đoan, Việt Nam cần hành động
Cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều, chuyên gia kêu gọi người dân và chính phủ cùng hành động.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên toàn cầu với tần suất ngày càng thường xuyên, gây thiệt hại lớn về người và của, để lại ảnh hưởng lâu dài ở các khu vực mà chúng quét qua. Thực tế này càng được chú ý trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra.
Để làm rõ hơn tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu cũng như cách đối phó, hạn chế, báoPháp luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn GS Scott Denning - chuyên gia về khoa học khí quyển tại ĐH Colorado (Mỹ).
Thời tiết ngày càng cực đoan là có lý do
. Phóng viên: Thời gian qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới như bão lũ ở châu Âu, Trung Quốc, nắng nóng kỷ lục ở Mỹ, Ấn Độ... Theoông, những thảm họa tự nhiên này đang phản ánh điều gì?
+ GS Scott Denning: Việc các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán... thường xuyên xảy ra là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vốn làm thay đổi các yếu tố của môi trường tự nhiên, gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển...
Nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu là hoạt động đốt các loại nhiên liệu thải khí carbon (CO2) như than đá, dầu mỏ, khí đốt... Khí thải carbon làm tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất, gây hiệu ứng nhà kính. Sự nóng lên này khiến nước từ đại dương bốc hơi nhiều hơn làm băng ở hai cực tan nhanh hơn, gây mưa nhiều là nguyên nhân gây ra bão lũ. Nước bốc hơi nhanh còn làm nhiều khu vực bị mất cân bằng độ ẩm, gây thiếu nước, hạn hán, cháy rừng... Những biến đổi này gây ra sự thay đổi về thời tiết, khiến thời tiết có những biểu hiện cực đoan trong thời gian dài trên phạm vi toàn thế giới.
Biến đổi khí hậu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng bất ngờ, bất thường, không thể dự đoán được, gây thiệt hại nghiêm trọng. Hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới môi trường tự nhiên ngày càng nghiêm trọng.
. El Ninõ được cho sẽ kéo dài tới mùa xuân năm 2024. Theo ông, hiện tượng thời tiết này ảnh hưởng ra sao tới mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu?
+ El Ninõ là hiện tượng thời tiết diễn ra trên quy mô toàn cầu, xuất phát từ sự tích tụ nhiệt độ dưới đáy đại dương trong một thời gian dài. Khi El Ninõ xảy ra, nhiệt độ từ lòng đại dương sẽ giải phóng vào bầu khí quyển gây nắng nóng kéo dài. El Ninõ thường diễn ra theo chu kỳ vài năm một lần. Lần cuối cùng một El Ninõ mạnh xảy ra là năm 2016, gây hạn hán nghiêm trọng ở Đông Nam Á, cháy rừng ở Nam Mỹ và bão lũ tại các đảo quốc trên Thái Bình Dương.
Sau gần tám năm, El Ninõ trở lại và ảnh hưởng nhiều khu vực trên toàn thế giới. Hiện chưa rõ mức độ ảnh hưởng của El Ninõ trong năm 2024 sẽ tới đâu nhưng chắc chắn nó sẽ góp phần làm nghiêm trọng thêm tình hình biến đổi khí hậu và gây nhiều thiệt hại đến đời sống, kinh tế.
Dưới tác động của El Ninõ, khả năng cao trong thời gian tới nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng lên và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra với mật độ dày hơn, trong đó các khu vực như Đông Á, Đông Nam Á, Nam Mỹ và Nam Âu sẽ có mưa lớn và lũ lụt, còn khu vực Bắc Mỹ sẽ chịu hạn hán và bão lũ.
Khoảng một tỉ người sẽ phải đối mặt các vấn đề liên quan đến khí hậu như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ cao và an ninh lương thực trong thập niên tới. Đến năm 2050, có thể có từ 44 triệu đến 216 triệu người phải di dời chỗ ở vì biến đổi khí hậu. Các khu vực có mức độ di cư cao do biến đổi khí hậu gồm châu Phi cận Sahara, Đông Á và Thái Bình Dương, Nam Á, Bắc Á, Mỹ Latinh, châu Âu và Trung Á, theo báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế.
Việt Nam cần hành động
Theo GS Scott Denning, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Với kiểu thời tiết gió mùa (gió thổi theo mùa, thường mang lại mưa), các khu vực của châu Á như Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á thường có mưa lớn, song dưới tác động của biến đổi khí hậu, mưa sẽ kéo theo bão lũ, khiến đời sống của hàng trăm triệu người dân bị ảnh hưởng.
Tại khu vực ĐBSCL (thuộc lưu vực sông Mekong), nhiệt độ trung bình Trái đất tăng khiến nước ngọt trong các dòng sông bốc hơi nhanh, trong khi đó nước mặn ngoài biển lại tràn vào, gây hiện tượng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng, vật nuôi.
. Thưa giáo sư, trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, Chính phủ và người dân Việt Nam có thể làm gì?
+ Tôi nghĩ trước hết cần hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dừng đốt than, giảm sử dụng dầu và khí đốt. Tôi biết rằng Việt Nam và các nước trên thế giới đều hướng đến nền kinh tế phát triển. Chúng ta muốn mọi người dân đều có phương tiện di chuyển, có đủ điện sử dụng. Và chúng ta có thể đạt được tất cả điều đó mà không cần phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Điều này có nghĩa là chúng ta nên tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, địa nhiệt. Ngoài ra, chúng ta đang có nhiều công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường. Các nước cần nhanh chóng nắm bắt những công nghệ mới này.
. Như giáo sư đã đề cập, khu vực ĐBSCL đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam và người dân có thể làm gì để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực này, thưa giáo sư?
+ ĐBSCL rất quan trọng đối với người dân và nền kinh tế Việt Nam nhưng lại là nơi dễ bị tổn thương. Đây được xem là thủ phủ lương thực của Việt Nam và trồng hầu hết các loại rau quả của cả nước. Nhiều người cũng đang sống phụ thuộc vào nông nghiệp của vùng này.
Hiện tại, xâm nhập mặn đã khiến đất nông nghiệp ở một số vùng tại đồng bằng này ảnh hưởng, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là nước biển dâng, xâm nhập mặn, mà còn là thiếu nước ngọt từ dòng sông Mekong. Đây là một vấn đề lớn đòi hỏi cần phải có sự hợp tác, thỏa thuận giữa các nước trong lưu vực sông Mekong để khai thác hiệu quả nguồn nước. Ngoài ra, nông dân trong khu vực cần tính toán cơ cấu cây trồng hợp lý, sao cho thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu nhưng vẫn phải đảm bảo được an ninh lương thực trong nước.
Đây là một vấn đề lâu dài và cần nhiều thời gian giải quyết. Nhưng tôi tin rằng Việt Nam, với truyền thống mạnh mẽ và đạt được sự phát triển đáng kinh ngạc trong thời gian gần đây, có thể tìm được cách để hợp tác, làm việc với các quốc gia liên quan để giải quyết thành công vấn đề này.
. Xin cảm ơn giáo sư.•
Hướng về COP28
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc vào ngày 30-11 và kéo dài đến ngày 12-12 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, GS Scott Denning kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó biến đổi khí hậu.
GS Dening lưu ý những nội dung chính trong hội nghị lần này sẽ là thảo luận khoản hỗ trợ mà các nước giàu dành cho các nước đang phát triển để chống biến đổi khí hậu, và đầu tư vào năng lượng sạch.
Theo ông, các quốc gia phải chi rất nhiều tiền để xây dựng hệ thống năng lượng thân thiện hơn với môi trường, bao gồm năng lượng mặt trời. Đây là cách giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng sạch để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Hội nghị COP28 cũng sẽ thảo luận cách hỗ trợ cho các nước nghèo chuyển đổi thành công sang năng lượng sạch.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-tiet-ngay-cang-cuc-doan-viet-nam-can-hanh-dong-post764812.html