Thời tiết thất thường, thận trọng với các triệu chứng bùng phát cơn hen suyễn
Bệnh hen suyễn là bệnh hô hấp mãn tính dễ tái phát khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích, nhất là khi thời tiết giao mùa dẫn tới co thắt cơ trơn phế quản, phù nề niêm mạc đường hô hấp và tăng tiết dịch nhầy trong lòng ống dẫn khí. Nếu không được phát hiện sớm có thể gây suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

Tại sao giao mùa thường bùng phát cơn hen suyễn? Vốn có đường hô hấp nhạy cảm, các yếu tố như nhiệt độ (cao, thấp), áo suất không khí, độ ẩm cao, mưa, nồng độ khói bụi/phấn hoa trong môi trường,... bị thay đổi đột ngột - đều có thể tác động tới bệnh nhân hen suyễn, thúc đẩy cơn hen bùng phát.
Nói cách khác, những tác nhân này khiến các cơ xung quanh đường thở bị thít lại hoặc co thắt và dẫn đến sản xuất quá nhiều chất nhầy trong đường thở làm cho người bệnh gặp khó khăn để hít thở bình thường.
Ngoài ra, bệnh nhân hen suyễn cơ địa cũng có nguy cơ cao gặp phải các nhiễm trùng đường hô hấp hơn so với người khỏe mạnh nên dù chỉ bị cảm lạnh thông thường thì cơn hen suyễn cũng rất dễ bị kích hoạt dưới tác động của các nhân tố gây nhiễm trùng như virus, vi khuẩn kết hợp với các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp sẵn có làm cho tình trạng co thắt phế quản dễ tiến triển nặng hơn nếu không được chăm sóc và can thiệp phù hợp sớm.

Hen suyễn có nguy cơ cao bùng phát khi giao mùa (Ảnh: ST)
1. Thận trọng với các triệu chứng bùng phát cơn hen suyễn
Chính bởi các lý do kể trên mà việc nhận biết các dấu hiệu cơn hen suyễn bùng phát rất quan trọng để xử lý kịp thời. Trong đó gồm các dấu hiệu lên cơn hen suyễn nhẹ đến trung bình, dấu hiệu cơn hen suyễn nghiêm trọng và dấu hiệu cơn hen suyễn có thể đe dọa tính mạng.
Các triệu chứng của cơn hen suyễn có thể phát triển dần dần hoặc xảy ra đột ngột và có thể khác nhau ở mỗi người. Các cơn hen suyễn nhẹ có thể kéo dài vài phút, trong khi các cơn hen suyễn từ trung bình đến nặng có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày.
1.1. Dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn hen suyễn
Các cơn hen suyễn đôi khi bắt đầu bằng các triệu chứng đơn giản nhưng dễ gây nhầm lẫn với các nhiễm trùng đường hô hấp mà bạn có thể nhận thấy trước khi các triệu chứng hen suyễn trở nên dữ dội và rõ ràng hơn phát triển. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm này và hành động đối phó ngay có thể giúp ngăn ngừa cơn hen suyễn toàn phát.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn hen suyễn ban đầu bao gồm:
- Tăng tiết chất nhầy trong đường thở như mũi, họng.
- Sổ mũi, nghẹt mũi hoặc tắc mũi.
- Mệt mỏi, uể oải hoặc cảm thấy yếu ớt đột ngột không rõ nguyên nhân.
- Ngứa ở cằm hoặc ngứa ở cổ.
- Không thể hít thở sâu.
- Ho dữ dội hoặc một cơn ho đột ngột, kéo dài dai dẳng.
- Cảm giác ngứa ngáy ở cổ họng hoặc sâu trong ngực.
- Lưu lượng đỉnh thở ra giảm (nếu sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh).
- Tư thế thay đổi, lưng khom lại, vai nhô lên cao gần tai, cảm thấy căng thẳng.

Các cơn hen suyễn đôi khi bắt đầu bằng các triệu chứng đơn giản nhưng dễ gây nhầm lẫn (Ảnh: ST)
1.2. Dấu hiệu cơn hen suyễn mức độ nhẹ tới trung bình
Khi các dấu hiệu cơn hen suyễn mức độ từ nhẹ tới trung bình bùng phát thì điều quan trọng là phải hành động kịp thời để tránh dẫn tới các triệu chứng trầm trọng hơn, chẳng hạn như thuốc hít albuterol.
Dấu hiệu cơn hen suyễn nhẹ tới trung bình bùng phát gồm:
- Thở khò khè, tiếng rít khi thở.
- Ngực căng tức hoặc cảm thấy khó chịu.
- Ho trở nên nặng hơn vào ban đêm hoặc ho tăng lên khi hoạt động thể chất.
- Khó thở, cảm thấy như không thể hít đủ không khí vào phổi dù rất cố gắng.
- Co kéo cơ hô hấp phụ và hõm trên xương ức.
- Ở mức độ nhẹ, bạn có thể nói được 1 câu hoàn chỉnh nhưng hen trung bình chỉ nói được từng chữ, câu ngắn.
- Căng cơ cổ hoặc cảm giác căng cứng khi cố gắng thở nhiều hơn.
1.3. Dấu hiệu cơn hen suyễn nghiêm trọng
Một cơn hen suyễn với các triệu chứng nghiêm trọng bùng phát được xếp vào trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Lúc này đường thở của người bệnh bị sưng viêm tới mức rất khó khăn để phát ra âm thanh, nói chuyện, đứng hoặc đi lại bình thường.

Một cơn hen suyễn với các triệu chứng nghiêm trọng bùng phát được xếp vào trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng (Ảnh: ST)
Dấu hiệu cơn hen suyễn nặng bao gồm:
- Khó thở nghiêm trọng.
- Hơi thở ngắn, nông, thở nhanh.
- Co kéo cơ hô hấp phụ và hõm trên xương ức nhiều khi hít vào.
- Có xu hướng khom lưng chúi nhiều về phía trước, vai rụt lại sát tai.
- Ngực bị căng như bị tì đè.
- Môi và móng tay chuyển sang màu hơi tím xanh do thiếu oxy.
- Buồn ngủ, lú lẫn.
Việc điều trị cơn hen suyễn nhằm mục đích giảm viêm và mở rộng đường thở để giảm các triệu chứng và phục hồi hơi thở lại bình thường. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn hen suyễn mà bạn có thể điều trị tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Theo NHS UK thì nếu bị hen suyễn nhẹ, bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra trong vòng 24 giờ; nếu nhập viện điều trị, hãy tái khám trong vòng 48 giờ để đánh giá lại tình trạng hen và giảm nguy cơ lên cơn hen trong tương lai.
2. Phòng ngừa hen suyễn bùng phát khi giao mùa
Chìa khóa để ngăn ngừa cơn hơn suyễn bùng phát chính là kiểm soát tốt tình trạng hen suyễn của bản thân. Bao gồm:
- Tránh các tác nhân có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng hen suyễn: Đó có thể là bảo vệ đường thở bằng khẩu trang, khăn quàng khi ra ngoài bằng khẩu trang, khăn giữ ấm. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc lá, không khí lạnh khô.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, chú trọng bổ sung các món có tính ấm, hạn chế thực phẩm có tính hàn.
- Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm.
- Tiêm vaccine cúm, phế cầu hàng năm.
- Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải, không tập khi cơn hen bùng phát. Các bài tập thích hợp để phòng ngừa cơn hen suyễn tái phát thường là các bài tập tập trung vào hơi thở như thiền, thái cực quyền hoặc bài tập cường độ vừa phải như đạp xe, chạy bộ chậm,... Khi tập nên tránh đổ mồ hôi quá nhiều.
- Giữ cho không khí trong nhà luôn trong lành, tránh ô nhiễm trong nhà bằng cách sử dụng máy lọc không khí, thường xuyên vệ sinh thảm, rèm, sofa, chăn ga gối,...
- Uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc, không tự ý giảm liều hoặc tăng liều.
Nhìn chung, hen suyễn là một bệnh mãn tính và khó có thể chữa dứt điểm. Do vậy luôn luôn cần chú ý tới các dấu hiệu cơn hen bùng phát từ sớm và có các biện pháp dự phòng thuốc hít cũng như có những biện pháp phòng ngừa hen suyễn tái phát vào các thời điểm giao mùa. Tất cả các cơn hen suyễn đều cần được điều trị kịp thời để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Nguồn: Health, NHS