Mắc lao cột sống cần lưu ý gì trong tập luyện?

Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, giúp bệnh nhanh phục hồi. Vậy khi nào người bệnh lao cột sống nên tập thể dục và cần lưu ý gì trong tập luyện để tránh gây hại sức khỏe?

NỘI DUNG:

1. Người mắc lao cột sống có nên tập thể dục không?

2. Bài tập phù hợp cho người mắc lao cột sống

3. Lưu ý khi tập luyện đối với người mắc lao cột sống

1. Người mắc lao cột sống có nên tập thể dục không?

Lao cột sống là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, ảnh hưởng đến các đốt sống và có thể dẫn đến đau lưng mạn tính, yếu tay chân, biến dạng cột sống hoặc tổn thương thần kinh.

Trong giai đoạn cấp tính, khi tổn thương cột sống còn tiến triển, người bệnh thường được khuyến cáo hạn chế vận động để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và phá hủy xương. Tuy nhiên, khi đã được điều trị ổn định, việc tập luyện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

- Giảm đau và cải thiện vận động: Tập luyện nhẹ nhàng giúp tăng cường sự linh hoạt của cột sống, giảm tình trạng cứng khớp và hạn chế biến dạng cột sống. Một số bài tập kéo giãn có thể giúp giảm căng cơ, cải thiện tư thế và giảm áp lực lên các đốt sống bị tổn thương, từ đó giúp giảm đau lưng.

- Hỗ trợ duy trì sức mạnh và chức năng cơ bắp: Các bài tập phù hợp giúp duy trì sức mạnh cơ lưng, cơ bụng và cơ chân, hỗ trợ cột sống hoạt động tốt hơn và giảm nguy cơ mất thăng bằng hoặc té ngã, đặc biệt ở những người phải nằm lâu ngày, có nguy cơ bị yếu cơ, teo cơ do ít vận động...

- Cải thiện sức khỏe hô hấp: Lao cột sống có thể kèm theo lao phổi hoặc làm giảm khả năng hô hấp do đau và hạn chế vận động. Các bài tập thở sâu giúp mở rộng dung tích phổi, cải thiện trao đổi oxy và giảm nguy cơ biến chứng hô hấp, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử lao phổi.

Tập luyện đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực cho người mắc bệnh lao cột sống.

- Hỗ trợ quá trình phục hồi xương khớp: Một số bài tập nhẹ có thể kích thích quá trình tái tạo xương, giúp xương chắc khỏe hơn, hạn chế nguy cơ loãng xương do bất động kéo dài. Đồng thời, tập luyện giúp tăng tuần hoàn máu đến vùng cột sống, hỗ trợ quá trình hồi phục mô xương và mô mềm bị tổn thương.

- Cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng: Bệnh lao cột sống có thể ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, gây lo lắng, trầm cảm do thời gian điều trị kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền hoặc đi bộ có thể giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.

2. Bài tập phù hợp cho người mắc lao cột sống

Để tăng cường sức khỏe, người mắc lao cột sống có thể tập những bài tập sau đây:

- Đi bộ nhẹ nhàng: Giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe mà không tạo áp lực lên cột sống.

- Bơi lội hoặc tập dưới nước: Nước giúp giảm tải trọng lên cột sống, hỗ trợ vận động an toàn.

- Các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng: Yoga hoặc Pilates với động tác được điều chỉnh phù hợp, giúp tăng độ linh hoạt mà không làm tổn thương cột sống.

- Tập hít thở sâu: Hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe hô hấp, đặc biệt khi bệnh nhân có ảnh hưởng đến phổi.

Tập thở sâu hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe hô hấp, đặc biệt khi bệnh nhân có ảnh hưởng đến phổi.

Tập thở sâu hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe hô hấp, đặc biệt khi bệnh nhân có ảnh hưởng đến phổi.

3. Lưu ý khi tập luyện đối với người mắc lao cột sống

- Chỉ tập khi bệnh đã ổn định: Trong giai đoạn cấp tính hoặc khi có triệu chứng nghiêm trọng như đau nhiều, biến dạng cột sống hoặc có biến chứng thần kinh, người bệnh nên hạn chế vận động và tuân thủ điều trị y tế. Khi bệnh đã được kiểm soát tốt, có thể tập luyện nhẹ nhàng để duy trì sức mạnh cơ bắp và cải thiện sức khỏe tổng thể.

- Tránh các bài tập gây áp lực lên cột sống: Không thực hiện các động tác xoay, cúi gập sâu hoặc nâng tạ nặng vì có thể làm trầm trọng hơn tổn thương cột sống.

- Tập luyện với cường độ nhẹ, tăng dần theo khả năng: Bắt đầu với các bài tập nhẹ như đi bộ, kéo giãn cơ, hít thở sâu và tăng cường độ từ từ theo khả năng của cơ thể. Không nên tập quá sức, đặc biệt khi còn triệu chứng đau hoặc mệt mỏi và cần theo dõi phản ứng của cơ thể và điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp.

- Tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia: Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng để có kế hoạch tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Mời bạn đọc xem thêm:

BS Ngô Đức Nhuân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mac-lao-cot-song-can-luu-y-gi-trong-tap-luyen-169250220145421678.htm