Thời tiết thay đổi liên tục, hạn chế cho trẻ nhỏ ăn 6 loại thực phẩm
Để giữ cho trẻ khỏe mạnh trong thời tiết hiện tại, điều đầu tiên mà cha mẹ cần hiểu được là điều gì gây suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, trong đó có chế độ ăn - đóng góp một phần lớn giúp trẻ chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm.
Mùa xuân với thời tiết thay đổi thất thường, các loại bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, viêm màng não mô cầu, cảm lạnh, cảm cúm,... dễ tấn công hệ miễn dịch còn non nớt ở trẻ. Để trẻ khỏe mạnh ngoài một chế độ vận động phù hợp, tránh căng thẳng và ngủ đủ giấc thì chế độ ăn tránh các thực phẩm có thể khiến sức đề kháng ở trẻ suy giảm cũng quan trọng không kém.
1. Đường bổ sung
Các thực phẩm ngọt chứa đường bổ sung luôn hấp dẫn với trẻ. Đó có thể là bánh ngọt, kẹo ngọt, nước ngọt,... Theo nhiều nghiên cứu thì đường bổ sung gây tăng sản xuất các protein gây viêm khiến chức năng miễn dịch ở trẻ bị suy giảm, các protein này có thể bao gồm: protein phản ứng C (CRP), interleukin (IL-6),...
Lượng đường trong máu tăng cao có liên quan tới phản ứng ức chế bạch cầu trung tính và thực bào - hai loại tế bào miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Hơn nữa, khi ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung, có thể gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, suy yếu chức năng bảo vệ của hàng rào ruột từ đó thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ và tăng nguy cơ nhiễm trùng hơn.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, hệ miễn dịch của trẻ có thể bị suy giảm trong khoảng thời gian lên tới 5 tiếng đồng hồ sau khi ăn đường và cao nhất là sau 1 - 2 giờ sau ăn.
Hơn nữa ăn nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung có thể khiến trẻ dễ bị đầy bụng, khó tiêu và các vấn đề tiêu hóa khác như chán ăn, giảm lượng tiêu thụ các thực phẩm khác và tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2, sâu răng,..
2. Quá nhiều muối
Trẻ nhỏ thường thích thú với các món ăn mặn, nhiều muối bao gồm cả thức ăn nêm nhiều muối, khoai tây chiên và các thực phẩm đóng hộp.
Muối có thể ức chế chức năng miễn dịch bình thường, ức chế phản ứng chống viêm, thay đổi vi khuẩn đường ruột và thúc đẩy việc tạo ra các tế bào miễn dịch có liên quan tới cơ chế bệnh sinh của các bệnh tự miễn như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn (viêm dạ dày ruột), lupus và viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ra, trẻ ăn quá nhiều muối sẽ tăng nguy cơ suy thận, mắc các bệnh tim mạch và thấp còi khi trưởng thành.
3. Thực phẩm chiên rán
Thật không may là thực phẩm chiên rán như khoai tây chiên, gà rán,... là món ăn khoái khẩu của rất nhiều trẻ nhỏ. Thực phẩm chiên rán chứa nhiều nhóm phân tử gọi là AGEs - sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end products) là các protein hoặc chất béo bị glycat hóa hình thành trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như chiên rán.
Một khi nồng độ AGEs trở nên quá cao sẽ tăng nguy cơ gây viêm và tổn thương tế bào. Nói cách khác, AGEs được cho là có thể gây suy yếu hệ miễn dịch bằng nhiều cách, bao gồm thúc đẩy quá trình viêm, làm cạn kiệt cơ chế chống oxy hóa của cơ thể, gây rối loạn chức năng tế bào và ảnh hưởng tiêu cực tới vi khuẩn đường ruột.
Thậm chí, đồ chiên rán đã được chứng minh làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết và dậy thì sớm ở trẻ.
4. Thức ăn nhanh
Theo nghiên cứu thì chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh và các thực phẩm chế biến sẵn có thể gây viêm, tăng tính thấm của ruột và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột - tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ.
Thức ăn nhanh có thể chứa phthalate - hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn nhanh thông qua bao bì nhựa hay túi nhựa, găng tay nhựa đeo trong quá trình chuẩn bị đồ ăn. Hóa chất này được biết đến là có thể tăng sản xuất các protein gây viêm dẫn tới suy yếu phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với mầm bệnh và rối loạn điều hòa miễn dịch.
Ngoài ra, phthalates có thể gây suy giảm sự đa dạng vi khuẩn đường ruột - điều này cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch của trẻ.
5. Thực phẩm và đồ uống có đường nhân tạo
Một số chất làm ngọt nhân tạo có liên quan tới việc thay đổi thành phần vi khuẩn đường ruột và phản ứng miễn dịch kém. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chất làm ngọt nhân tạo bao gồm sucralose và saccharin có thể gây mất cân bằng hệ khuẩn đường ruột. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, việc lạm dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể gây bất lợi cho hệ miễn dịch.
6. Ăn nhiều carbs tinh chế cao
Ăn các loại carbs tinh chế cao như bánh mì trắng hay đồ nướng có đường thường xuyên có thể khiến lượng đường trong máu và insulin tăng đột biến dẫn tới tăng sản xuất các gốc tự do và protein gây viêm như CRP. Đồng thời có thể làm thay đổi hệ khuẩn đường ruột và tác động tiêu cực tới hệ miễn dịch, suy giảm sức đề kháng.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu carbs tinh chế cũng góp phần hạn chế tăng trưởng chiều cao ở trẻ.
Nhìn chung, ngoài các thực phẩm kể trên thì thói quen ăn uống không cân bằng giữa chất béo bão hòa và không bão hòa; ăn quá nhiều thịt chế biến sẵn, chế độ ăn nhiều chất béo omega-6,... cùng với thiếu ngủ, căng thẳng quá mức và vận động thiếu hợp lý cũng khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm. Vì vậy cha mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng lo âu quá mức bằng cách chia sẻ, lắng nghe con,... sẽ góp phần giúp trẻ khỏe mạnh hơn, đặc biệt khi thời tiết thay đổi thất thường như hiện tại.
Nguồn: Healthline, Ảnh: SKHN