Thời trang bền vững: Hướng đi sáng tạo cho kinh tế xanh Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khủng hoảng khí hậu, thời trang bền vững đang mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế Việt Nam. Từ những xưởng may quy mô nhỏ đến những tập đoàn lớn, nhiều sáng kiến thiết thực đang góp phần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, bảo vệ môi trường và nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp nhỏ kiến tạo hệ sinh thái thời trang bản địa

Trong khi nhiều thương hiệu lớn theo đuổi xu hướng bền vững bằng các chiến lược tập đoàn, thì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam lại âm thầm đặt nền móng cho một hệ sinh thái sáng tạo gắn với bản sắc dân tộc.

Doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang kết hợp di sản văn hóa vơíđổi mới bền vững, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương và giá trị đương đại. Ảnh:Vietnam Design Research Studio

Doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang kết hợp di sản văn hóa vơíđổi mới bền vững, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương và giá trị đương đại. Ảnh:Vietnam Design Research Studio

Nghiên cứu cuối năm 2024 do Phó Giáo sư Donna Cleveland và giảng viên Lâm Hồng Lan (RMIT Việt Nam) thực hiện đã chỉ ra “vòng tròn thịnh vượng”, do doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ kiến tạo với 4 trụ cột: Kinh tế, văn hóa, môi trường, xã hội.

Các thương hiệu như Linht Handicraft, Môi Điên, Kilomet109, KHAAR hay Dòng Dòng đã và đang kiến tạo những câu chuyện thiết kế gắn với cộng đồng và di sản văn hóa. Trong đó, nếu Linht Handicraft hợp tác cùng phụ nữ H’mông tại Sa Pa để làm sống lại vải dệt tay nhuộm chàm, thì Môi Điên - do nhà thiết kế Tom Trandt sáng lập lại theo đuổi mô hình không rác thải, đồng thời cộng tác với các thợ may lớn tuổi tại TP Hồ Chí Minh.

Kilomet109, dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế Thảo Vũ, đã kết nối với bảy cộng đồng dân tộc thiểu số nhằm phục hồi kỹ thuật dệt nhuộm cổ truyền. Trong khi đó, KHAAR sử dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế mẫu cắt không gây lãng phí vải. Riêng Dòng Dòng đã phát triển thành công chuỗi sản phẩm tái chế từ bạt quảng cáo và bao bì công nghiệp thu gom tại Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần định hình xu hướng “tái thiết kế” mang tính cộng đồng và môi trường cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đối mặt nhiều rào cản về vốn, hạ tầng và chính sách. Dòng Dòng từng bị xử phạt vì không thể cung cấp hóa đơn đầu vào từ vật liệu tái chế, vốn không chính thức. Những thương hiệu như Môi Điên bày tỏ mong muốn có không gian công cộng để trưng bày sản phẩm, kết nối khách hàng, điều mà hiện nay tại Việt Nam vẫn đang thiếu.

Để thúc đẩy phát triển bền vững, các chuyên gia đề xuất cải cách cho doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. Ảnh: Vietnam Design Research Studio

Để thúc đẩy phát triển bền vững, các chuyên gia đề xuất cải cách cho doanh nghiệp thời trang quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam. Ảnh: Vietnam Design Research Studio

Nhóm nghiên cứu RMIT đề xuất ba hướng chính sách gồm: Tăng cường giáo dục thiết kế bền vững ở các cấp, xây dựng không gian công cộng sáng tạo và cải cách thủ tục hành chính - tài chính cho doanh nghiệp nhỏ. Nếu được hỗ trợ đúng mức, các thương hiệu này có thể trở thành hạt nhân trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam, nơi tốc độ không còn là ưu tiên, mà là chiều sâu văn hóa và sự gắn kết xã hội.

Tập đoàn lớn và công nghệ mới dẫn dắt xu hướng toàn cầu

Ở phía ngược lại của phổ quy mô, các thương hiệu thời trang quốc tế đang thể hiện cam kết mạnh mẽ với thời trang bền vững, đặc biệt là khi hoạt động tại Việt Nam, quốc gia dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu. Bà Corinna Joyce, Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang, Khoa Truyền thông và Thiết kế của Đại học RMIT Việt Nam nhận định: "Chuyển dịch sang tính bền vững không chỉ tốt cho môi trường mà còn định vị Việt Nam là đối tác sản xuất tuân thủ, góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế lâu dài”.

Uniqlo và công ty mẹ Fast Retailing đang là điển hình cho hướng tiếp cận này. Năm 2024, tỷ lệ polyester tái chế trong sản phẩm của Uniqlo đã đạt 47,4%, tiệm cận mục tiêu 50% đến năm 2030. Fast Retailing còn cam kết cắt giảm 90% phát thải tại hệ thống văn phòng và cửa hàng, đồng thời giảm 20% phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Việc kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị giúp Uniqlo nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm tồn kho và chỉ sản xuất theo nhu cầu, một cách tiếp cận thiết thực với nguyên tắc phát triển tuần hoàn.

Thời trang bền vững đang mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Vietnam Design Research Studio

Thời trang bền vững đang mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Vietnam Design Research Studio

Không chỉ vậy, những bước tiến công nghệ đang góp phần tái định hình vật liệu bền vững. Tại Anh, công ty Modern Synthesis đã phát triển thành công Nanocellulose, vật liệu sinh học tạo từ quá trình lên men vi khuẩn và rác thải trái cây. Loại sợi này nhẹ, bền hơn thép và có khả năng nhuộm linh hoạt, mở ra hướng thay thế dệt may truyền thống. CEO Ben Reeve cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một thế hệ chất liệu mới, vừa bền vững, vừa ứng dụng cao trong thời trang”.

Tại Nhật Bản, Seiko Epson đang thử nghiệm công nghệ tái chế khô, không dùng nước, có khả năng thu hồi hơn 50% sợi từ quần áo cũ, vượt xa các phương pháp cũ vốn chỉ đạt 10%.

Ở cấp độ thương hiệu, nhiều “ông lớn” như Zara, Primark, Dior, Burberry, Prada hay Versace đã chuyển hướng sang sử dụng vật liệu hữu cơ, tái chế và nói không với lông thú hay phá rừng.

Thị trường secondhand cũng bùng nổ, dự kiến đạt 351 tỷ USD toàn cầu vào năm 2027. Một thế hệ tiêu dùng trẻ, đặc biệt là Gen Z và Millennials đang chủ động lựa chọn các thương hiệu gắn bó với giá trị môi trường và xã hội, chứ không chỉ theo đuổi xu hướng nhất thời.

Hải Yên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tieu-dung/thoi-trang-ben-vung-huong-di-sang-tao-cho-kinh-te-xanh-viet-nam-20250718215902694.htm