Thời trang điện ảnh: Váy dạ hội 'Beauty & The Beast' - Tốn 12000 giờ làm việc vẫn khiến khán giả hụt hẫng

Tuy được thiết kế và thực hiện rất cẩn trọng nhưng chiếc váy dạ hội của Emma Watson trong 'Beauty & The Beast' vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của khán giả.

Đối với những bộ phim live-action chuyển thể từ hoạt hình, chiếc váy dạ hội xuất hiện ở phân cảnh cuối cùng luôn là tâm điểm được khán giả mong chờ nhất. Họ chờ đợi cảm giác choáng ngợp, bất ngờ khi siêu phẩm xuất hiện, và rất tiếc, “trùm cuối” của “Beauty & The Beast” đã không làm được điều này.

Chiếc váy mà Emma Watson mặc trong “Beauty & The Beast” được thiết kế bởi nhà thiết kế trang phục từng đoạt giải Oscar - Jacqueline Durran. Theo chia sẻ từ nhà thiết kế, nhiệm vụ này vô cùng phức tạp vì chiếc váy màu vàng của Belle trong bản gốc đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới. Quá trình thiết kế của đội phục trang kéo dài tưởng như vô tận vì họ phải thảo luận rất kỹ càng về hình thức, màu sắc và vật liệu được sử dụng.

“Chúng tôi tạo ra một chiếc váy màu vàng vì muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với bản hoạt hình. Trong phiên bản đời thực, chúng tôi bổ sung thêm nhiều họa tiết để chiếc váy trông sống động hơn”, Durran nói với Glamour.

Cuối cùng, chiếc váy được làm từ nhiều lớp satin organza nhẹ như lông vũ nhuộm màu vàng, dài 54.8 mét và cần 914.4 mét chỉ. Hai lớp trên cùng của váy được in bằng lá vàng chạm trổ hoa văn tương tự như sàn nhà của phòng khiêu vũ (thiết kế theo phong cách Rococo) và được làm nổi bật bằng 2.160 viên pha lê Swarovski. Chiếc váy cần 12.000 giờ để thực hiện và có rất nhiều bản sao khác nhau. Đội phục trang quyết định bỏ qua áo nịt ngực vì muốn Belle của Emma có thể di chuyển dễ dàng hơn so với Belle trong phim hoạt hình.

Mặc dù chiếc váy được làm rất công phu, sự xuất hiện của nó trên màn ảnh rộng lại không đủ sức khiến khán giả phải giật mình choáng ngợp.

Kể từ khi những hình ảnh quảng cáo đầu tiên của “Beauty & The Beast” được tung lên mạng, đã có rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh chiếc váy dạ hội mang tính biểu tượng của Belle. Và thậm chí nhiều tháng sau khi phim phát hành tại các rạp chiếu phim, mọi người vẫn tiếp tục nói về nó. Tại sao vậy? Lý do thật đơn giản: Người xem cảm thấy siêu phẩm cổ tích trông không đẹp lắm.

Phiên bản hoạt hình “Beauty & The Beast” của Disney năm 1991 là một tác phẩm kinh điển của điện ảnh và hoạt hình. Đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên được đề cử cho “Best Picture” (Phim hay nhất) tại Academy Awards (Giải thưởng Viện Hàn lâm). Nó mang về doanh thu khổng lồ cho Disney, và quan trọng hơn, “Beauty & The Beast” đã một lần nữa thiết lập vững chắc thương hiệu “Công chúa Disney” kể từ sau thành công của “The little mermaid”.

Chiếc váy dạ hội màu vàng (bản hoạt hình) của Belle được cho là một yếu tố mang tính biểu tượng của điện ảnh hoạt hình. Mọi người đều biết đến nó và yêu thích nó. Và kết quả là khi chuyển thể lên phim, họ không thể ngừng thắc mắc: "Đây không phải là trang phục mà tôi biết". Hai chiếc váy không thể tránh khỏi cảnh bị người xem so sánh, mổ xẻ đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Lý do đầu tiên và rõ ràng nhất đằng sau sự thất vọng đối với chiếc váy của Belle là nó không đáp ứng được kỳ vọng dành cho một “Chiếc váy công chúa Disney". Nó không đủ lớn, không đủ kỳ diệu như hình ảnh váy dạ hội dành cho công chúa mà thương hiệu xây dựng. Bất kỳ chiếc váy công chúa Disney nào cũng phải lớn hơn so với thực tế, phải phù hợp với trí tưởng tượng của các cô gái trẻ. Nó không thể chỉ dừng lại ở mức đẹp bình thường, mà phải trở thành trang phục mơ ước của mọi khán giả. Và chiếc váy của Belle chỉ đơn giản là không đáp ứng được những mong đợi đó. Nếu chiếc váy của Lọ Lem là chiếc váy bạn muốn mặc trong đám cưới của mình, thì chiếc váy của Belle lại là váy dành cho phù dâu để đảm bảo họ không tỏa sáng hơn bạn.

Lý do thứ hai khiến chiếc váy trở nên nhạt nhòa là sự khác biệt của màu sắc và kết cấu vải khi chuyển thể từ hình ảnh 2D sang thực tế. Chiếc váy hoạt hình của Belle được vẽ bằng nhiều sắc thái khác nhau của "màu vàng" để nó không tạo cảm giác đơn sắc. Còn chiếc váy live-action của Belle chỉ có 100% màu vàng. Từng mảnh của chiếc váy đều được làm bằng cùng một màu vàng nên khi các lớp vải chồng lên nhau chúng tạo thành một khối màu vàng mà dù di chuyển thế nào thì cuối cùng cũng chỉ là một màu vàng, đồng nghĩa với việc chiếc váy làm khán giả mất hứng khá nhanh. Mặc dù các chi tiết trang trí trên váy của Belle rất cầu kỳ, chúng lại không thể tỏa sáng trên một tổng thể quá “vàng”. Nếu so sánh với chiếc váy của Lọ Lem, bạn sẽ thấy mỗi lớp vải của nó lại được nhuộm một sắc độ màu khác nhau: tím, xanh lá cây, xanh dương, trắng... Kết quả cuối cùng là một chiếc váy có tổng thể màu xanh nhưng lại thấp thoáng những sắc độ khác nhau. Chiếc váy mang lại cảm giác ba chiều, hấp dẫn và không bị “ngán” khi nhìn vào.

Tiếp theo, nhà thiết kế đã mắc sai lầm khi tạo ra một chiếc váy đơn giản nhưng lại thiếu cấu trúc. Hầu hết các trang phục tuyệt vời trong lịch sử điện ảnh đều trông đơn giản nhưng bên dưới lại là những mảnh thiết kế phức tạp phù hợp với nhân vật và hình ảnh. Vấn đề với chiếc váy của Belle là nó bị nhầm lẫn sự đơn giản với sự thiếu cấu trúc. Chiếc váy mang lại cảm giác nặng nề, như thể nó sẽ dính vào cơ thể bạn thay vì bồng bềnh bay xung quanh. Những loại váy dạ hội dành cho sân khấu này cần một chiếc khung chắc chắn ở bên dưới để định hình chúng. Những chiếc khung như vậy đã được sử dụng phổ biến từ thế kỷ 17, 18, 19 nhưng nhà thiết kế phục trang của “Beauty & The Beast” lại bỏ qua chúng.

Ngoài ra, thông điệp tốt nhưng lại không phù hợp của Emma đã trở thành điểm yếu “chí mạng” của phim. Vài tháng trước khi bộ phim ra mắt, người ta đã công bố rộng rãi rằng Emma Watson dứt khoát từ chối mặc áo nịt ngực để thể hiện sự tự do, giải phóng của phụ nữ trong thời hiện đại. Trên thực tế, áo nịt ngực thế kỷ 18 được phụ nữ sử dụng với mục đích giống như áo ngực ngày nay. Tất cả những gì nó làm là đặt bộ ngực của bạn vào đúng vị trí để làm cho chiếc váy vừa vặn. Thiếu đi áo nịt ngực, chiếc váy cổ tích khán giả mong chờ sẽ không thể nào có cấu trúc rõ ràng và xòe rộng bồng bềnh được.

Thêm một lý do khiến chiếc váy của Belle không để lại ấn tượng gì đó là có quá nhiều siêu phẩm thời trang xuất hiện xuyên suốt bộ phim (và không được mặc bởi Belle). Tạo sự tương phản đối với trang phục trong phim là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ví dụ như trong “Game of Thrones”, chúng ta hiểu rằng Arya khác biệt vì ngoài cô ấy ra các phụ nữ xung quanh không mặc quần. Hoặc trong “Crimson Peak”, chiếc váy màu vàng của Edith có tác dụng báo hiệu cô ấy là “duy nhất” bởi vì mọi người xung quanh đều mặc quần áo tối màu. Trong trường hợp của Belle, sự tương phản lại mang đến cho nữ chính vẻ ngoài nhạt nhòa nhất phim.

Cuối cùng, thời trang trong “Beauty & The Beast” được cảm hứng từ phong cách thời trang thế kỷ 18 và tinh chỉnh thêm để tạo cảm giác hiện đại. Hầu hết các bộ cánh trong phim đều rất xinh đẹp và khiến khán giả mãn nhãn, nhưng chiếc váy được kỳ vọng quá lớn của Belle lại không thể truyền tải được định hướng “lịch sử kết hợp hiện đại” đúng nghĩa. Ban đầu, nhà thiết kế Jacqueline Durran đã cố gắng làm cho chiếc váy có hình bóng đậm chất thế kỷ 18, nhưng hãng phim và đạo diễn lại muốn "diễn giải lại" bản gốc. Họ chưa bao giờ nói rõ lý do tại sao lại định hướng như vậy, nhưng có lẽ họ nghĩ rằng phiên bản hiện đại sẽ bán được nhiều hơn tại Disney Store.

Sau tất cả, chiếc váy của Belle được thiết kế và thực hiện rất cầu kỳ, nhưng nó lại không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Các lựa chọn thời trang sai lầm và khó hiểu đã khiến cho bom tấn Hollywood “trượt dài” trong mắt khán giả.

Minh Minh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/thoi-trang/vay-da-hoi-beauty-and-the-beast-khien-khan-gia-hut-hang-202304150830543761.html