Nghề nướng cá bằng than hoa ở xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có từ bao đời nay. Bất kể mùa nắng hay mùa mưa, nhịp sống nơi đây vẫn luôn tất bật và hối hả, đặc biệt vào những dịp cuối năm.
Dịp này, dọc đường vào thôn Vĩnh Phú (xã Hộ Độ) ngào ngạt hương vị biển khi mùi cá cùng khói than hồng lan toản cả vùng.
Bắt đầu từ 7h sáng người dân đi lấy cá từ các tàu thuyền ở cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) về để nướng.
Thời điểm trời trở rét, bếp lửa cá nướng đỏ rực từ rạng sáng đến tối muốn mới nghỉ.
Để nướng cá, người làm nghề cá nướng sử dụng than hoa, nhóm lửa bên trong những chiếc lán nhỏ dựng cạnh đường.
Bà Vương Thị Loan (57 tuổi, thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ) vốn có thâm niên làm nghề nướng cá đến nay hơn 40 năm. Mỗi ngày bà nướng và bán ra khoảng 300 con cá. Những thời điểm dịp Tết hay ngày đầu năm lượng khách mua nhiều hơn.
“Làm nghề này tuy cực nhưng vẫn có thu nhập ổn định. Mưa cũng như nắng đều phải đỏ lửa, bởi nếu tắt bếp một ngày là mất cái ăn cho cả gia đình. Vào những ngày lạnh như hôm nay cá bán được hơn. Mỗi con cá giá từ 25-35 ngàn đồng”, bà Loan chia sẻ.
Cá được người dân mua về rồi rã đông, làm ruột, rửa sạch và phơi ráo trước khi cho vào bếp nướng.
Sau khi cá ráo nước, người dân dùng một thanh tre nhỏ xuyên từ đầu đến bụng cá. Cách này giúp định hình con cá trong quá trình nướng không bị gãy và giúp nướng cá dễ hơn.
Trước khi cho vào lò nướng, những con cá được chế biến sạch sẽ, xếp ngay ngắn lên bếp. Bếp nướng được làm từ hai thanh sắt, dài khoảng 1m để đặt cá lên nướng.
Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, không bị sém cháy, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay càng thơm ngon.
Mỗi mẻ cá được nướng trong khoảng thời gian khoảng 15 phút. Khi cá đủ độ chín sẽ đưa ra rổ để bày bán.
Những rổ cá nướng thơm lừng được người dân bày bán sau khi nướng xong.
Cá sau khi được nướng xong đưa ra rổ để bán.
Làm nghề nướng cá ở đây chỉ có phụ nữ. Tính tại làng này có gần 20 hộ theo nghề nướng cá.
Hoài Nam