Thông báo công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia: Tăng minh bạch, giảm tiêu cực
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại cuộc họp thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản diễn ra sáng 28/6 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Hoạt động ĐGTS từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ĐGTS từng bước được nâng cao.
Hiện nay, số lượng đấu giá viên của cả nước đã lên đến hơn 1.200 người; gần 600 doanh nghiệp ĐGTS, trong đó có 58 Trung tâm dịch vụ ĐGTS tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng các cuộc ĐGTS ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn. Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng; việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó phải kể đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, khó khăn.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS có các quy định theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp.
Cụ thể, sửa đổi Điều 57 về thông báo công khai việc đấu giá theo hướng: quy định thống nhất việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia (bỏ quy định thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình như quy định hiện hành).
Tăng tính công khai, minh bạch
Phát biểu tại cuộc họp thẩm định, ông Nguyễn Văn Mạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu rõ: liên quan tới hoạt động ĐGTS hiện nay có Cổng Đấu giá quốc gia, Trang Thông tin đấu giá của các địa phương và Trang thông tin của các tổ chức ĐGTS. Do vậy, ông tỏ ra băn khoăn nếu vận hành thống nhất Cổng Đấu giá quốc gia thì các Trang Thông tin đấu giá kia có còn hoạt động không? Mặt khác hiện cũng có nhiều chuyên ngành xây dựng cơ sở dữ liệu riêng, cũng có Cổng thông tin riêng trong lĩnh vực đó, vậy chúng ta có nên tích hợp với một số chuyên ngành liên quan không? Trường hợp Cổng Đấu giá quốc gia đăng tải thông báo chậm thì xử lý thế nào?
Đề cập tới trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, ông Mạnh cho rằng cần tiến hành rà soát, đánh giá thêm để xem xét có phù hợp thực tiễn và đảm bảo tiết kiệm chi phí không.
Bày tỏ đồng tình, ông Vũ Sỹ Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dự thảo Luật Đất đai có quy định về xây dựng Cổng thông tin quốc gia về đấu giá quyền sử dụng, vì vậy đề nghị xem xét mối quan hệ giữa 2 cổng này.
Cho ý kiến về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết Cổng Đấu giá tài sản quốc gia đã được vận hành từ năm 2020, nhiều tổ chức ĐGTS đã đăng tải thông báo lên Cổng. Dự thảo Luật chỉ bổ sung quy định tích hợp hình thức đấu giá trực tuyến vào Cổng và đăng thông báo công khai về đấu giá nên không ảnh hưởng tới việc vận hành của Cổng, sẽ không gây chậm trễ trong việc đăng thông báo. Ông Hồng cho biết thêm, hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án để nâng cấp Cổng, theo đó có thể quy định thêm về việc bán hồ sơ trực tuyến qua Cổng và người tham gia đấu giá có thể xem tài sản qua mạng.
Còn ông Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp nhấn mạnh Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định theo hướng mở, chỉ cần Luật không cấm đều có thể thực hiện giao dịch điện tử, vì vậy hoàn toàn có thể nộp hồ sơ đấu giá trực tuyến để cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tiêu cực trong ĐGTS.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật cần phù hợp với chú trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp Hiến Pháp, Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý sử dụng đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng…
Đồng tình với hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ĐGTS, tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý cần đưa vào Luật sửa đổi những nội dụng chọn lọc, thật sự cần thiết sửa đổi để khắc phục được 5 nhóm hạn chế được nêu ra tại dự thảo Tờ trình, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá.
“Thực tế cho thấy việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề nhằm hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; việc niêm yết thông báo đấu giá thời gian còn ngắn, chưa hiệu quả, do vậy nếu việc bán hồ sơ qua mạng giúp tăng tính minh bạch thì chúng ta hoàn toàn có thể quy định”, Thứ trưởng nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu việc liên kết với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan như công chứng, đất đai để tăng tính thuận tiện, minh bạch.