Thông cáo số 3, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Ngày 22/5/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Buổi sáng, theo chương trình nghị sự, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Chính phủ; đánh giá cao việc điều hành linh hoạt của Chính phủ và những thành tựu đạt được, cụ thể: Trong năm 2018 nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% là mức cao nhất trong 11 năm gần đây; thu ngân sách trung ương vượt dự toán sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi ngân sách nhà nước giảm so với dự toán; lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất ổn định; hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện đồng bộ, mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng; một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản của Nhà nước liên quan đến một số cán bộ cấp cao được phát hiện và đưa ra xử lý…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, chúng ta cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan của những thành tựu năm 2018; làm rõ những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt hơn cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo. Để góp phần hoàn thiện báo cáo, có nhiều ý kiến đại biểu phát biểu tập trung vào một số nội dung sau đây: Vấn đề xuất khẩu nông sản; xử lý nợ xấu; nợ đọng thuế; giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm; cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; tình hình tăng giá xăng, giá điện; an ninh, quốc phòng; quản lý mạng xã hội; an toàn giao thông; tình trạng xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em; những tiêu cực trong thi cử; việc vận chuyển, mua bán và sử dụng ma túy; chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chính sách đối với người có công; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tính bền vững, ổn định của nguồn thu ngân sách cần được đảm bảo; việc lựa chọn, tiếp nhận nguồn đầu tư, các nhà đầu tư; xuất khẩu lao động; chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI; phân tích những ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; cơ chế, chính sách để nâng cao, phát triển du lịch một cách bền vững; các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; công tác phòng, chống thiên tai…

Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu. Đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau như: Phạm vi điều chỉnh; cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan: thi hành án hình sự, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án trong thi hành án hình sự; thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; tổ chức cho phạm nhân lao động; sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; tái hòa nhập cộng đồng; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; chế độ giáo dục đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi; thi hành án tử hình; thi hành án treo; thi hành án phạt cải tạo không giam giữ…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thứ năm, ngày 23/5/2019, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường; buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; buổi chiều, Quốc hội nghe: Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Tờ trình về dự án Luật Thư viện; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và dự án Luật Thư viện.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/thong-cao-so-3-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xiv-20190522190830013.htm