Thông điệp phản chiến qua hội thảo về chiến dịch sơ tán ở miền Bắc Việt Nam
Việc nhắc lại những tổn thương, mất mát của trẻ em miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ giúp thế hệ trẻ cũng như giới học giả hiểu sâu sắc hơn về gốc rễ chiến tranh và hiểu thêm về Việt Nam.
Mới đây, tại Washington DC, trường Đại học George Washington (GWU) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Các chiến dịch sơ tán ở miền Bắc Việt Nam và trường hợp trẻ em tại Đặc khu Vĩnh Linh."
GMU đã mời Tiến sỹ Lê Nam Trung Hiếu, giảng viên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), với trọng tâm là góc nhìn của người Việt đối với cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, làm diễn giả tại hội thảo.
Trong chuyến đi này, Tiến sỹ Trung Hiếu đã nhận lời mời của một số trường đại học và viện nghiên cứu của Mỹ. Được sự cho phép và hỗ trợ của nhà trường, Tiến sỹ Trung Hiếu đã tham dự một số hội nghị và hội thảo tại Đại học Texas Tech, Trường Elliot, Đại học Stanford, Đại học UC Berkeley, California và GMU.
Nội dung bài thuyết trình của Tiến sỹ Trung Hiếu tại GMU là kết quả nghiên cứu bước đầu về các chiến dịch sơ tán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tác động của các chiến dịch này đối với trẻ em của Đặc khu Vĩnh Linh.
Buổi thuyết trình tại GWU đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu Đông Á và Đông Nam Á tại Mỹ cùng nhiều học giả Mỹ.
Giáo sư nghiên cứu về các vấn đề quốc tế của GWU Linda J. Yarr đánh giá cao nghiên cứu về Di sản chiến tranh Việt Nam, đặc biệt về những tổn thương mà trẻ em phải trải qua trong chiến tranh, của Tiến sỹ Trung Hiếu.
Bà cho rằng các học giả của Mỹ và Việt Nam cần cùng nhau làm việc, cùng nhau hàn gắn những vết thương chiến tranh cũng như tạo cơ hội cho thế hệ trẻ hai bên hiểu sâu sắc hơn về cái giá phải trả thực sự của chiến tranh là gì.
Giáo sư Linda J. Yarr cũng bày tỏ vui mừng với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới vào tháng 9/2023 sẽ giúp hai nước cùng nhau làm việc để hiểu không chỉ những gì xảy ra trong chiến tranh mà còn các vấn đề về di sản chiến tranh và hướng đến dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Bài thuyết trình của Tiến sỹ Trung Hiếu đã phần nào làm rõ một phần của chiến lược phản ứng có hệ thống của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ lực lượng và tư liệu sản xuất, cũng như bảo toàn nguồn lực về vật chất và tinh thần phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Các chiến dịch tản cư và sơ tán này đã bắt đầu không lâu kể từ khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam kể từ sau năm 1945 và đã kéo dài cho tới tận khi đế quốc Mỹ chấm dứt các chiến dịch không kích miền Bắc và rút quân khỏi Việt Nam.
Nghiên cứu này tập trung vào Chiến dịch K8 và K10, diễn ra vào năm 1966 và 1967.
Hai chiến dịch này đã đưa hàng vạn trẻ em, người già, phụ nữ có con nhỏ, thương binh di tản khỏi những khu vực bị đánh phá, hủy diệt bằng hỏa lực của không quân và hải quân Mỹ như Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ tới các khu vực an toàn ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Tiến sỹ Trung Hiếu đã phân tích một số tác động của các chiến dịch sơ tán đối với con người, đặc biệt là trẻ em, trong thời chiến và hậu chiến.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bất chấp những khó khăn to lớn của thời chiến và điều kiện kinh tế địa phương khó khăn, các chiến dịch sơ tán đã đạt được những thành quả quan trọng trong việc di chuyển an toàn đại bộ phận hàng vạn trẻ em ra các vùng sơ tán và các cơ quan trung ương cũng như chính quyền địa phương đã tìm mọi cách đảm bảo được tốt nhất việc chăm sóc và giáo dục các em trong hoàn cảnh đặc biệt.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận trẻ em đi sơ tán trong chiến dịch K8 và K10 đã chịu một số chấn thương tinh thần, tâm lý, cũng như sự gián đoạn và đứt gãy về văn hóa gia đình và quê hương, đặc biệt là các em đi sơ tán mà không có cha mẹ hoặc người thân gia đình đi theo.
Thông điệp mà Tiến sỹ Trung Hiếu muốn gửi tới các học giả Mỹ qua nghiên cứu này đó là sự phản đối chiến tranh.
Việc nhắc lại những tổn thương và mất mát của trẻ em miền Bắc phải trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tập trung vào nghiên cứu con người, xã hội, gia đình và các nhóm cá nhân bị ảnh hưởng do cuộc chiến trong thế kỷ XX sẽ giúp cho thế hệ trẻ cũng như giới học giả hiểu sâu sắc hơn về gốc rễ của chiến tranh và hiểu thêm về Việt Nam.
Bởi nói như Giáo sư Linda J. Yarr, “khi trận chiến kết thúc vẫn còn một cuộc chiến chưa kết thúc” và đó là công việc mà các học giả của cả hai nước Mỹ và Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo đuổi, hợp tác và thực hiện để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn./.