Thông điệp tích cực trong tiến trình loại trừ vũ khí hạt nhân

5 cường quốc hạt nhân của thế giới đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Một vụ thử vũ khí hạt nhân của Pháp tại Polynesia ngày 3.7.1970. Nguồn: Quân đội Pháp

Một vụ thử vũ khí hạt nhân của Pháp tại Polynesia ngày 3.7.1970. Nguồn: Quân đội Pháp

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, trong một tuyên bố hiếm hoi, 5 cường quốc hạt nhân của thế giới gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây được coi là thông điệp quan trọng trong tiến trình loại trừ vũ khí hạt nhân của nhân loại.

Những nỗ lực giải trừ hạt nhân

Từ sau Chiến tranh Lạnh, vấn đề hạt nhân chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Mặc dù công nghệ hạt nhân mang đến nguồn năng lượng bền vững nhưng vũ khí hạt nhân lại có sức công phá và hủy diệt ghê gớm đối với nhân loại. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa thể quên hình ảnh hai quả bom nguyên tử bị Mỹ ném xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, làm hơn 210.000 người thiệt mạng. Không những thế, hàng nghìn người vẫn tiếp tục thiệt mạng sau đó vì tác hại của phóng xạ.

Trong suốt một thời gian dài, nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới phải sống trong sợ hãi và lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Và sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã làm dấy lên sự quan ngại trên phạm vi toàn cầu.

Những nỗ lực đàm phán quốc tế để đạt được Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) bắt đầu từ cuối những năm 1950 trong bối cảnh Liên Xô và Mỹ - hai quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân - cố gắng tìm cách kiềm chế các quốc gia khác phát triển thứ vũ khí hủy diệt này.

Ngày 5.8.1963, Liên Xô, Mỹ và Anh đã ký kết Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần (PTBT) ở Moskva, cam kết sẽ không tiến hành các cuộc thử hạt nhân trong khí quyển, vũ trụ và dưới nước kể từ ngày 10.10.1963. Đây là tiền đề cho sự ra đời của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) được ký 3 năm sau đó, vào năm 1966. Theo hiệp ước, tất cả các nước trên thế giới cam kết không tiến hành hoặc cho phép bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở nơi thuộc quyền kiểm soát và tài phán của mình; không khuyến khích hoặc tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào bất cứ vụ nổ hạt nhân nào.

Ngày 1.7.1968 được coi là ngày khởi đầu tiến trình tham gia ký kết NPT. Vào ngày này, hơn 50 quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đã tham gia hiệp ước. NPT được Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua năm 1968 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5.3.1970.

Hiệp ước đã xác định rõ “các quốc gia có vũ khí hạt nhân” là những quốc gia sản xuất và gây nổ một vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị gây nổ hạt nhân khác trước ngày 1.1.1967, bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc. Tất cả các nước khác được xem là “các quốc gia không có vũ khí hạt nhân” và theo NPT, các nước này không được sản xuất cũng như thực hiện các vụ nổ hạt nhân. Hiệp ước là văn bản pháp lý có tính chất nền tảng, góp phần tạo dựng nên hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, NPT cũng quy định nghĩa vụ của các quốc gia không có vũ khí hạt nhân đối với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là chấp nhận sự thanh sát của cơ quan này nhằm kiểm tra việc thi hành các nghĩa vụ đã được thừa nhận trong hiệp ước và ngăn chặn việc sử dụng sai năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Như vậy, NPT ra đời với niềm tin rằng sự phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng cao khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đây là một trong những giải pháp được ĐHĐ LHQ đề ra nhằm ngăn ngừa sự phổ biến rộng rãi loại vũ khí này, góp phần làm dịu bớt tình trạng căng thẳng quốc tế và tăng cường niềm tin giữa các quốc gia, hướng đến việc chấm dứt sản xuất vũ khí hạt nhân, loại trừ vũ khí hạt nhân ra khỏi kho vũ khí quốc gia.

Năm 1995, hội nghị giữa các thành viên tham gia ký kết NPT được triệu tập và đã quyết định gia hạn vĩnh viễn NPT. Sau khi NPT có hiệu lực vào năm 1970, các quốc gia đã liên tục xin gia nhập và làm tăng tính phổ cập của hiệp ước này. Đến năm 1975, tại hội nghị đầu tiên xem xét lại hiệp ước, đã có 95 quốc gia ký kết NPT.

Kể từ năm 1975, các hội nghị rà soát Hiệp ước NPT được tổ chức 5 năm một lần, gần đây nhất vào năm 2015. Các hội nghị này tạo diễn đàn để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thảo luận với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Được 191 nước phê chuẩn tính đến thời điểm này, NPT là một trong những hiệp ước nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất trên thế giới, có tầm quan trọng to lớn trong nỗ lực nhằm chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Có thể khẳng định NPT là nền tảng để tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn cũng như bảo đảm chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. NPT đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định quốc tế cũng như để theo đuổi mục tiêu cuối cùng là một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.

Thách thức trong thời kỳ mới

Với hy vọng sớm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, trong một phiên họp toàn thể hồi cuối năm 2016, LHQ đã thông qua nghị quyết tổ chức các vòng đàm phán. Nội dung nghị quyết này bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hậu quả thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Những quốc gia đi đầu nỗ lực này gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Khoảng 140 nước đã tham gia soạn thảo hiệp ước này.

Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5.2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp và Nga đều phản đối nghị quyết trên, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Nhật Bản cũng nằm trong số những nước phản đối khi cho rằng việc thiếu đồng thuận trong quá trình đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

Xét thấy sự hủy diệt do một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra đối với toàn thể nhân loại và sự cần thiết tất yếu có thể tập trung mọi cố gắng để ngăn ngừa hiểm họa của một cuộc chiến tranh như vậy và tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ an ninh cho nhân loại, ngày 7.7.2017 ĐHĐ LHQ đã thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên cấm việc phát triển, thử nghiệm, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên.

TPNW đã chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2021 sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù vậy, TPNW chỉ ràng buộc những quốc gia đã chính thức ký và phê chuẩn, trong khi chưa có cường quốc hạt nhân nào phê chuẩn hiệp ước.

Cho đến nay, toàn bộ 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, đều là những cường quốc hạt nhân, chưa tham gia TPNW khi cho rằng hiệp ước này không giải quyết được những quan ngại an ninh của các quốc gia sở hữu hạt nhân muốn duy trì kho vũ khí nguyên tử để làm công cụ răn đe trước hành vi tấn công hạt nhân. Đáng chú ý, Nhật Bản - quốc gia duy nhất trên thế giới từng hứng chịu bom nguyên tử - cũng không ký kết TPNW.

Trong khi đó, cạnh tranh địa chính trị, chạy đua vũ khí chiến lược, lạm dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân và việc một số nước tiếp tục duy trì học thuyết hạt nhân cũng là các thách thức đối với việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa phá bỏ khiến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong nhiều thập niên qua đang có nguy cơ bị “đổ xuống sông, xuống biển”.

Trước tiên là sự kiện Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran từ tháng 5.2018. Điều này dẫn đến việc Iran hồi tháng 4.2019 đã cảnh báo có thể sẽ rút khỏi NPT. Chưa kể nỗ lực giải trừ quân bị toàn cầu còn bị ảnh hưởng khi Mỹ và Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Trong khi đó, bất chấp dịch COVID-19 và tác động của đại dịch đến các nền kinh tế trên toàn thế giới, báo cáo của tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho biết trong năm 2020, 9 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Triều Tiên đã mạnh chi vào kho vũ khí nguyên tử của mình, với mức hơn 72 tỉ USD, tăng 1,4 tỉ USD so với năm 2019. Trong đó, mức chi của Mỹ là 37,4 tỉ USD, chiếm hơn một nửa khoản chi của 9 nước, Trung Quốc là 10 tỉ USD và Nga là 8 tỉ USD.

Còn theo LHQ, mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập kỷ, nhưng hiện trên thế giới vẫn có khoảng 14.000 đơn vị vũ khí loại này và thế giới đang đối mặt với "mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất" trong gần 4 thập kỷ qua. Do đó, LHQ cho rằng hiện là thời điểm cần loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới, mở ra một thời kỳ mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình cho tất cả người dân. Nếu các cường quốc hạt nhân không đi đầu thì ước mơ về một thế giới không vũ khí hạt nhân sẽ vẫn xa vời.

Thông điệp quan trọng

Trước thềm một hội nghị của LHQ về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm rà soát Hiệp ước NPT, một thông điệp tích cực trong tiến trình loại trừ vũ khí hạt nhân khi ngày 3.1, 5 cường quốc hạt nhân của thế giới đồng thời là 5 quốc gia thành viên thường trực HĐBA LHQ là Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp đã nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Trong một tuyên bố hiếm hoi, 5 cường quốc hạt nhân của thế giới khẳng định “không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân” và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ Abdulla Shahid đã hoan nghênh tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân và nhấn mạnh các cam kết theo nghĩa vụ của NPT, bao gồm nghĩa vụ theo Điều VI và mong muốn tăng cường sự hiểu biết cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả.

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng tuyên bố của 5 cường quốc hạt nhân sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động hiện nay. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định tuyên bố này giúp tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các cường quốc.

Sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với luật quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế. Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm không còn việc sử dụng hay đe dọa sử dụng loại vũ khí này. Sự tồn tại của 14.000 đơn vị vũ khí hạt nhân tiếp tục là nguy cơ hủy diệt nhân loại, gây thảm họa về môi trường, sinh thái. Và việc các cường quốc hạt nhân nhất trí ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới và bắt đầu một kỷ nguyên mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/thong-diep-tich-cuc-trong-tien-trinh-loai-tru-vu-khi-hat-nhan-191981