Thông điệp tích cực từ số liệu thống kê kinh tế 2 tháng đầu năm 2024

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 6% so với cùng kỳ 2023; cả nước có hơn 41.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập và quay trở lại hoạt động; vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng hơn 2%; vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ 5 năm liền kề... là những số liệu đáng chú ý trong bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm – là thông điệp tích cực cho mục tiêu tăng trưởng 2024.

Làm thế nào để tiếp tục hạn chế những bất cập còn tồn tại, duy trì và phát huy những điểm sáng – động lực vừa nêu, vì mục tiêu tăng trưởng cả năm?

Trong số nhiều điểm sáng – tích cực của nền kinh tế 2 tháng đầu năm, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm nhiều tới chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động đầu tư và xuất khẩu.

Dẫn chứng, nguồn vốn thực hiện từ ngân sách 2 tháng qua đã tăng hơn 2% cùng kỳ 2023, tương đương hơn 8% kế hoạch năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng gần 10% - là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2018-2023, bà Đỗ Thị Ngọc khẳng định “đây là thông điệp mạnh mẽ về vị thế Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư”. Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư tiếp tục phát huy thế mạnh, hỗ trợ tăng trưởng, cần lưu ý một số vấn đề liên quan.

Nhiều doanh nghiệp thuộc các khu vực sản xuất khác nhau đã nhận được nhiều đơn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp thuộc các khu vực sản xuất khác nhau đã nhận được nhiều đơn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

“Thu hút đầu tư, đặc biệt FDI, đăng ký mới và thực hiện tăng trưởng tốt, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam và tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, vốn đăng ký điều chỉnh, đầu tư tăng thêm của các dự án hiện hữu chỉ đạt 42,1 triệu USD trong hai tháng – giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài còn khó khăn từ các thị trường các nước khác nên họ cũng chưa có năng lực để mở rộng sản xuất thêm hay tăng vốn thêm cho Việt Nam. Điều này cũng thể hiện khó khăn chung - cầu của thế giới chưa thực sự ổn định rõ nét để họ có thể tăng đầu tư ra thế giới” - bà Đỗ Thị Ngọc nói.

Nhiều doanh nghiệp thuộc các khu vực sản xuất khác nhau đã nhận được nhiều đơn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu – điều này thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7%, chỉ số nhà quản trị mua hàng được cập nhật đến đầu tháng 2 tăng hơn 50%.

Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa 15, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhìn nhận, đây là tín hiệu tốt khi hàng hóa đang dần được khơi thông, sẽ tạo đà cho sản xuất trong nước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của cả 3 khu vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp xây dựng và dịch vụ.

Để hoạt động này phát huy hiệu quả mạnh hơn nữa, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng: “Các ngành hàng xuất khẩu cần phải cơ cấu thị trường. Hãy nhìn nước cạnh ta như Ấn Độ, dù quy mô nền kinh tế cao hơn chúng ta sau dịch Covid-19 họ vẫn phát triển mạnh được như năm vừa rồi là vì tìm kiếm thêm được các thị trường xuất khẩu. Kinh tế của chúng ta rất là mở. GDP phụ thuộc vào xuất khẩu rất nhiều. Nếu không tìm thêm các thị trường xuất khẩu sẽ khó thay đổi tình hình. Hy vọng Quý 1, thậm chí sang Quý 2 kinh tế ổn định hơn, có thêm thị trường mới, thúc đẩy xuất khẩu thì 6 tháng cuối năm chúng ta có thể thúc đẩy GDP phát triển mạnh”.

Lạm phát thấp hơn so với bình quân chung cũng là một vấn đề chứng tỏ cung tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang có vấn đề (Ảnh minh họa - KT)

Lạm phát thấp hơn so với bình quân chung cũng là một vấn đề chứng tỏ cung tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang có vấn đề (Ảnh minh họa - KT)

Đồng thuận quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Vũ Thành Hưng, hoạt động sản xuất phát triển sẽ tạo nền tảng bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, quá trình này thực tế đang bị tác động bởi nhiều yếu tố, rất cần được tiếp tục quan tâm điều chỉnh.

“Chúng ta cố gắng kiềm chế lạm phát đó cũng là một giải pháp chiến lược nhưng mà lạm phát thấp hơn so với bình quân chung cũng là một vấn đề chứng tỏ đảm bảo cung tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang có vấn đề. Thứ 2 liên quan đến chuỗi sản xuất từ doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo xuất khẩu, đó là vận tải. So với cùng kỳ năm trước mức tăng cũng không cao. Logistics không tốt thì khơi thông luồng vận chuyển hàng hóa, kể cả trong nội địa xuất khẩu ra cũng chưa tốt sẽ làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn” - PGS.TS Vũ Thành Hưng nói.

Mặc dù có nhiều điểm sáng, một trong những vấn đề rất cần quan tâm trong bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm là số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường (hơn 41.000 doanh nghiệp mới và quay trở lại hoạt động, trong khi số doanh nghiệp rời khỏi thương trường ở mức 63.000).

“Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều mặt lên nỗ lực tăng trưởng của cả năm”. Các chuyên gia khuyến nghị, cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục cho vay và giảm mặt bằng lãi suất. Việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ và thực hiện các gói tín dụng ưu đãi… phải được nghiên cứu, triển khai sát thực với bối cảnh mới. Khi doanh nghiệp, người dân được tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn sẽ thúc đẩy phát triển toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi; đẩy mạnh tiến độ đầu tư công; tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại đã ký kết, đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam lan tỏa mạnh hơn trên trường quốc tế song song thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Những giải pháp vừa nêu cần thực hiện bằng nỗ lực cao nhất của toàn hệ thống thì mới duy trì và phát huy được những điểm sáng kinh tế 2 tháng đầu năm – trở thành điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

Thu Trang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thong-diep-tich-cuc-tu-so-lieu-thong-ke-kinh-te-2-thang-dau-nam-2024-post1080004.vov