Thông điệp từ COP26: Doanh nghiệp cần tăng tốc cân bằng phát thải

Khu vực tư nhân hiện đang đóng vai trò trung tâm trong đàm phán về khí hậu, theo tỷ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft Corp.

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu COP26 đã khép lại với việc các bên tham gia hội nghị thống nhất đưa ra Hiệp ước Khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact). Hiệp ước là một thông điệp rất rõ ràng gửi đến các nhà đầu tư và CEO các công ty rằng hành trình đến mức phát thải ròng bằng 0 đang tăng tốc.

Thỏa thuận được đàm phán bởi gần 200 quốc gia trong 2 tuần, không phải là hiệp ước mà một số người hy vọng. Nhưng nó đặt ra tầm nhìn về một thế giới cắt giảm triệt để việc sử dụng than, loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và cam kết của các chính phủ về các mục tiêu tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris.

Những người hoài nghi cho rằng toàn bộ hiệp định dựa trên sự đặt cược lớn rằng những nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới sẽ loại bỏ toàn bộ lượng khí thải ròng của họ trong vài thập kỷ tới, và cho rằng sự gia tăng khai thác than gần đây ở Trung Quốc, Ấn Độ và Australia chứng tỏ điều này sẽ khó khăn nhường nào.

Nhưng kết quả của COP26 “đã làm cho các doanh nghiệp thấy rõ rằng họ cần phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”, Nick Molho, CEO của Aldersgate Group, đại diện cho các công ty trị giá 550 tỷ bảng Anh (740 tỷ USD) đang thúc đẩy sự bền vững.

Các doanh nghiệp cũng đồng tình rằng họ sẽ đi theo hướng đó cho dù các chính phủ có ủng hộ các cam kết của họ thông qua các chính sách hay không.

Tuy nhiên, tốc độ kinh doanh và tài chính toàn cầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hôm 14/11 rằng, Hiệp ước Khí hậu Glasgow vang lên "hồi chuông báo tử" cho than đá, nhưng ngôn ngữ cuối cùng sử dụng trong hiệp ước đã được “giảm nhẹ”, chuyển từ “xóa bỏ” (phase out) thành “giảm dần” (phase down) các dự án sản xuất điện than không thu giữ và lưu trữ carbon. Theo đó, cánh cửa vẫn mở cho các khoản đầu tư vào một số nhà máy than được trang bị công nghệ thu giữ khí thải.

Mặc dù vậy, các công ty đã và đang chuẩn bị cho một thế giới xanh hơn. Hàng trăm doanh nghiệp toàn cầu đã đặt mục tiêu cắt giảm lượng phát thải CO2, bao gồm cả những công ty dầu mỏ khổng lồ (Big Oil) như Shell và BP.

Các công ty đã tích cực thể hiện sự ủng hộ của họ ở Glasgow, với vô số gian hàng và sự xuất hiện của các nhân vật thuộc giới tinh hoa như người đồng sáng lập Microsoft Corp., Bill Gates, và Giám đốc điều hành của BlackRock Inc., Larry Fink.

Đàm phán về khí hậu đã thay đổi đáng kể theo hướng ngày càng tốt hơn, Bill Gates cho biết.

Theo ông, một trong những thay đổi đó là khu vực tư nhân hiện đang đóng vai trò trung tâm, bên cạnh các chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.

Theo Bill Gates, đàm phán về khí hậu đã thay đổi đáng kể theo hướng ngày càng tốt hơn. Ảnh: Gates Notes

Theo Bill Gates, đàm phán về khí hậu đã thay đổi đáng kể theo hướng ngày càng tốt hơn. Ảnh: Gates Notes

“Tại Glasgow, tôi đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong các ngành khác nhau cần tham gia vào quá trình chuyển đổi — bao gồm vận chuyển, khai thác mỏ và dịch vụ tài chính — những người đã có kế hoạch thực tế để khử carbon và hỗ trợ đổi mới”, Gates cho biết trên trang blog Gates Notes.

Còn theo John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, trong 6 năm kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết, thế giới kinh doanh đã tiến nhanh hơn chính sách công.

“Không chỉ các công ty đi trước chính phủ, mà các công ty hiểu rằng tương lai của họ gắn liền với việc có một thị trường ổn định”, ông cho biết.

Chặng đường phía trước còn dài

Theo một nghiên cứu của Accenture, chỉ 5% các công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán lớn của châu Âu có đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu của họ. Và họ là những người đi trước xu hướng.

Các doanh nhân với các khoản đầu tư “xanh” ở các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn nhiều so với các đối tác của họ ở các quốc gia giàu hơn.

Nhiều công ty ở Trung Quốc và Ấn Độ - 2 trong số những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới - vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về trung lập carbon.

Căng thẳng có thể được nhìn thấy xung quanh nỗ lực của cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney và Liên minh Tài chính Glasgow vì Cân bằng Phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) do ông dẫn dắt nhằm cắt giảm lượng phát thải trong lĩnh vực đầu tư tài chính xuống bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

GFANZ tập hợp hơn 450 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính toàn cầu với lượng tài sản lên đến 130 ngàn tỷ USD, với Michael R. Bloomberg, người sáng lập Bloomberg LP, là đồng chủ tịch.

Việc liên minh này đặt ra các mục tiêu và thời hạn rõ ràng để xanh hóa các khoản đầu tư của họ là một trong những tuyên bố quan trọng nhất được đưa ra trong tuần đầu tiên của COP26.

Tuyên bố này đã được chào đón với sự hoài nghi của một số chuyên gia. Các thành viên của liên minh không cho biết số tiền thực sự sẽ được chuyển vào các hoạt động xanh và họ cũng không nhất trí đối với định nghĩa cố định về cân bằng phát thải (net zero).

Liên minh Tài chính Glasgow vì Cân bằng Phát thải, do cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney dẫn dắt, tập hợp hơn 450 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính toàn cầu với lượng tài sản lên đến 130 ngàn tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Liên minh Tài chính Glasgow vì Cân bằng Phát thải, do cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney dẫn dắt, tập hợp hơn 450 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính toàn cầu với lượng tài sản lên đến 130 ngàn tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

JPMorgan Chase & Co., nhà tài trợ lớn nhất thế giới về nhiên liệu hóa thạch, tham gia liên minh khá muộn và chưa xác định cụ thể sẽ đạt được mục tiêu của GFANZ như thế nào.

Liên minh này không bao gồm 3 trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới, tất cả đều là của Trung Quốc và các nhà cung cấp tài chính than lớn.

Nhưng sức mạnh của các hiệp định quốc tế như Hiệp ước Khí hậu Glasgow đến từ thực tế là các chính phủ đoàn kết với nhau trên một sự đồng thuận duy nhất, đặt nền tảng cho đầu tư và chính sách đi theo.

Kể từ khi các quốc gia đồng ý ở Paris về việc cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, hầu hết mọi ngành công nghiệp trên thế giới đã được chuyển đổi.

Hơn 2 nghìn tỷ USD đổ vào năng lượng và các công nghệ xanh, theo BloombergNEF, đã sinh ra một thế hệ tỷ phú mới.

Tesla Inc., hiện trị giá 1 nghìn tỷ USD sau khi khơi mào cho một hệ sinh thái hoàn toàn mới trong ngành công nghiệp xe hơi, có thể là hình mẫu cho những mô hình thay đổi cuộc chơi trong tương lai trong mọi thứ, từ thép xanh đến thịt nhân tạo.

Dù thế nào chăng nữa, “Glasgow sẽ được nhớ đến như một bước ngoặt khi các công ty từ tất cả các lĩnh vực, hiện nay đang chuyển sự chú ý vào việc phát triển và thúc đẩy các chiến lược khử carbon của họ”, Keith Tuffley, đồng lãnh đạo toàn cầu về tính bền vững và chuyển đổi doanh nghiệp tại Citigroup Inc., cho biết.

“Đó là một bước tiến lớn khác trên con đường hướng tới một thế giới phát thải ròng bằng 0".

Minh Đức (Theo Bloomberg, Gates Notes)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thong-diep-tu-cop26-doanh-nghiep-can-tang-toc-can-bang-phat-thai-a534169.html